Khi có thương hiệu, nông sản Việt mới thực sự cất cánh

09:04:11 | 12/5/2023

Bộ NN&PTNT đang tập trung xây dựng thương hiệu 4 mặt hàng chủ lực đó là: Gạo, cà phê, cá tra và tôm.


Gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Lộc Trời đã chính thức lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc

Những hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và các câu chuyện về nông sản cũng được Bộ NN&PTNT phối hợp lan tỏa trong ngành ngoại giao và ngành văn hóa, du lịch. Sự kết hợp này kỳ vọng sẽ mang đến được những bản sắc cho các sản phẩm nông sản, cùng với sự quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp nông sản Việt.

"Áo gấm đi đêm"

Đây có lẽ là câu thành ngữ phù hợp nhất khi nói về nông sản Việt Nam khi chưa có thương hiệu, nhưng vẫn mang giá trị xuất khẩu về cho đất nước trên 53 tỷ USD trong năm 2022.

Chiếc "áo gấm" này là hình ảnh của gạo, sầu riêng, thủy sản, hạt tiêu, chè, cà phê… đang xuất siêu với sản lượng đứng hàng đầu thế giới.

Nhiểu câu chuyện đã được các doanh nhân chia sẻ khi nông sản Việt Nam không có thương hiệu rất thiệt thòi. Ví dụ như với sản phẩm trà, bà Võ Thị Tam Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Trà Rồng Vàng cho biết, trà ô long hái tay chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ dao động 10-12 USD/kg. Tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần.

Bà Dân cho biết, với vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu trà, các sản phẩm trà Việt đã có mặt ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, khoảng 90% sản lượng trà xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu trà dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế.

Hoặc như mới đây, câu chuyện gạo ST25 vừa "đăng quang" là loại gạo ngon nhất thế giới không lâu thì đã bị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ. "Cha đẻ" của loại gạo này, ông Hồ Quang Cua khi mới biết thông tin cũng chia sẻ việc giành lại thương hiệu rất khó, vì ông chỉ biết nghiên cứu ra giống chứ cũng không rõ về các hoạt động bảo hộ thương mại, nhất là ở một quốc gia quá xa xôi như vậy.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, đất đai ngày càng hạn hẹp, vậy thì 5 năm nữa ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa vào cái gì? Phải tăng trưởng dựa trên nâng cao giá trị, thông qua chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị, tạo ra chuỗi giá trị gấp 5, gấp 10 lần. Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy bán hàng.

Tư duy bán hàng nông sản mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đến chính là việc xây dựng thương hiệu. Thương hiệu nông sản Việt được định hình với những người sản xuất bằng cách: "Muốn thành công thì phải bán chính bản thân mình thông qua những cảm xúc, tâm huyết, niềm tin, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và thương hiệu phải được xây dựng từ nhân hiệu".

Xây dựng thương hiệu từ ý thức chung tay

Bộ NN&PTNT đang tập trung xây dựng thương hiệu 4 mặt hàng chủ lực đó là: Gạo, cà phê, cá tra và tôm.

Cùng với đó, theo chương trình Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2019, tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương phải phát triển thương hiệu thực phẩm với 9 mặt hàng như: Trà, cà phê, tiêu, hạt điều, rau quả, ngũ cốc, thủy sản, rau quả tươi, mật ong. Bộ Công Thương đang lồng ghép việc xây dựng thương hiệu vào các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với sự hỗ trợ của các ngành hàng.

Tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt khó khăn từ gốc rễ sản xuất. Hầu hết nông sản của nước ta hiện nay được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng. Quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản chưa nhiều dẫn đến chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định.

Đứng trước các khó khăn này, Bộ NN&PTNT cũng đang nỗ lực chỉ đạo xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực của ngành nông nghiệp, tích hợp một số chương trình đã triển khai từ trước đó nhằm tạo sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực trên thị trường quốc tế, như: Lúa gạo, thịt, thủy sản, rau quả, mía đường, cà phê, chè, hạt điều, hồ tiêu, cao su, dừa, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thương hiệu của đặc sản vùng miền và thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển thông qua các hoạt động quảng bá, hội chợ, triển lãm,...

Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực thúc đẩy các chính sách tích tụ ruộng đất, các cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản...

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (bao nhiêu % sản phẩm sơ chế; % sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.

Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu…

Những hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và các câu chuyện về nông sản cũng được Bộ NN&PTNT phối hợp lan tỏa trong ngành ngoại giao và ngành văn hóa, du lịch. Sự kết hợp này kỳ vọng sẽ mang đến được những bản sắc cho các sản phẩm nông sản, cùng với sự quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp nông sản Việt.

Nguồn: baochinhphu.vn