Lạng Sơn tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số PCI năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số năm 2023

13:17:09 | 19/5/2023

Sáng ngày 19/5, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số năm 2023.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu, Lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hội nghị còn có sự tham dự của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Phạm Đình Vũ, Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp (VCCI).

Chỉ số PCI được hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần và 141 chỉ tiêu đánh giá, phản ánh những lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động tới sự phát triển DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2022, với điểm tổng hợp đạt 67,88 điểm, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2021; xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Đây cũng là năm tỉnh Lạng Sơn “nâng hạng” chỉ số PCI cấp tỉnh cao nhất tính từ năm 2017 đến nay. Theo đó, các chỉ số thành phần PCI năm 2022 của tỉnh đều được cải thiện so với năm 2021 và những năm trước như: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tư, Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức, Tính minh bạch, Gia nhập thị trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Kết quả PCI năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn là sự bứt phá đến từ những nỗ lực trong thực hiện đồng bộ các giải pháp xuyên suốt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến việc tập trung nguồn lực thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; tỉnh duy trì tổ chức đối thoại định kỳ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Đặc biệt, năm 2021, 2022, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Lạng Sơn đã kiên cường vượt khó, với những cách làm chủ động, sáng tạo, giữ an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái “bình thường mới” và triển khai có hiệu quả chiến lược “thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19”.

Kết quả, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 tăng 5,02%, cao hơn bình quân chung của cả nước (3,32%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.689,3 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 640 triệu USD,  tăng 31,96% so với cùng kỳ. Trong quý I/2023, tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư 03 dự án, tổng vốn đầu tư 976,78 tỷ đồng, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư 05 dự án, số vốn tăng 53,46 tỷ đồng. Đăng ký thành lập mới 122 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 522 tỷ đồng; 82 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11,5%. Lũy kế toàn tỉnh có 3.790 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 38.785 tỷ đồng. Đăng ký thành lập mới 10 hợp tác xã, số vốn đăng ký 15,8 tỷ đồng.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá: Vận hành chính quyền các cấp của tỉnh Lạng Sơn  hiện nay khá tốt, trong đó có vai trò lớn của các sở, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đã tổ chức có hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giữ vững nhịp độ phát triển của địa phương.

Phó Tổng Thư ký VCCI đề nghị, để duy trì và cải thiện chỉ số PCI, Lạng Sơn  cần tuyên truyền giúp mỗi người dân, cán bộ, công chức nhận thức rõ vai trò của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó chung tay thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Tăng cường đối thoại, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.  

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Những năm trước, cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với công tác quản lý Nhà nước của một số sở, ngành, điển hình như thông tin về lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, năm 2022, điều này cơ bản đã được các cấp, các ngành khắc phục. Các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên thông tin, cung cấp đầy đủ các thủ tục pháp lý, nhất là các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp để doanh nghiệp thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã quán triệt các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí thời gian, không để doanh nghiệp, người dân phải mất chi phí không chính thức.

Về bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI), năm 2022 là năm thứ sáu tỉnh Lạng Sơn triển khai đánh giá chỉ số DDCI. Bộ Chỉ số này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị được đánh giá, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Đức Nhật, Trưởng tư vấn Chương trình DDCI Lạng Sơn năm 2022, để tiếp tục có những chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư trong thời gian tới, tỉnh cần hoàn thiện các kế hoạch và thực tế triển khai mặt bằng cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp có áp dụng công nghệ tiên tiến; Tiếp tục tập trung cải thiện công tác quản lý, điều hành, phục vụ doanh nghiệp liên quan đến đất đai; Thúc đẩy sản xuất, thương mại, xuất khẩu, kinh tế số trong đó chuyển đổi số của doanh nghiệp và chuyển đổi số của các cơ quan quản lý cần phát triển đồng tốc... 

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu đánh giá cao các ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu đồng thời nhấn mạnh: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 2021- 2025.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, thời gian tới, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó chú trọng cải thiện điểm số đối với các chỉ số đạt điểm số thấp như: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Tính năng động và tiên phong của chính quyền, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Phấn đấu duy trì trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất của cả nước.

“Đây chính là động lực để Lạng Sơn tiếp tục tiến lên phía trước, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực bền bỉ, hướng đến mục tiêu người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, doanh nghiệp phát triển, địa phương phát triển”, ông Hồ Tiến Thiệu khẳng định.

Ngô San (Vietnam Business Forum)