Nền nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn: Chìa khóa của nông nghiệp bền vững

15:16:13 | 8/5/2023

Để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã ứng dụng khoa học, công nghệ ( KH&CN), chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, bảo đảm kinh tế nông nghiệp Tp Hà Nội phát triển bền vững.

 Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) hữu cơ Đồng Phú là mô hình nông nghiệp hữu cơ kiểu mẫu của huyện Chương Mỹ. Sở hữu sản phẩm lúa gạo đạt OCOP 4 sao và tiêu chuẩn USDA, HTX NN hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ đã phát huy được lợi thế của địa phương để phát triển lúa hữu cơ một cách bền vững, mang lại kinh tế cao và góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trong vùng.

Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú cho biết năm 2012, với diện tích 5 ha, nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú đã được Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ thực hiện thí điểm dự án sản xuất lúa hữu cơ. Từ những thành công bước đầu của dự án, xã đã mở rộng diện tích lúa hữu cơ. Mỗi năm diện tích lúa hữu cơ của xã từ 80-90 ha.

Để bảo đảm chất lượng đạt chuẩn, các nguồn đất, nước được HTX kiểm tra dư lượng các chất kim loại nặng, "nói không với thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, các chất hóa học"; chỉ sử dụng trong nông nghiệp từ đạm, lân và các chất bảo quản… Đặc biệt, để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, nông dân xã Đồng Phú còn không dùng bất cứ một loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục. Bên cạnh đó, hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng mương máng phải được thau rửa, các cửa cống vào khu ruộng pải được đặt than hoạt tính… HTX đã tổ chức, chỉ đạo nhân dân thực hiện rất nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa hữu cơ của dự án Pamci. Các nguồn đất, nước đều được kiểm tra dư lượng kim loại nặng. Áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ không có sự tham gia của các chất hoá học và các chất bảo quản. Đặc biệt, hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng đều được chảy qua các cửa cống có đặt than hoạt tính, lúa được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch. Toàn bộ quá trình sản xuất đều được ghi chép đầy đủ qua hệ thống camera và sổ sách.

Ngoài việc sản xuất được thanh kiểm tra giám sát nội bộ, sản phẩm còn được thanh kiểm tra, giám sát, phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền cụ thể trình tự được cấp logo chứng nhận.Qua so sánh đối chứng cho thấy tổng thu nhập sản xuất với phương pháp thông thường là đạt 89 triệu đồng/ha/năm nhưng tổng thu nhập sản xuất theo phương pháp hữu cơ đạt 185 triệu đồng/ha/năm. Giá trị đã tăng 96 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với canh tác thông thường, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức cho nhân dân trồng luân canh cây lúa với cây đậu tương cho thu nhập từ 8-10 tấn đậu ở vụ Đông, mang lại giá trị thu nhập từ 500-600 triệu đồng.

Hiện tại mỗi năm, HTX sản xuất 225 tấn lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản; giá trị gạo tăng gấp 2 lần so với mặt bằng chung với giá bán bình quân 32 triệu đồng/tấn, lãi khoảng 80-100 triệu đồng/ha. Hiện sản phẩm được tiêu thụ tại các công ty dịch vụ: Organica, Bác Tôm, Công ty Thực phẩm sạch Homfout, Công ty Tự nhiên Việt Nam…

Theo ông Lê Văn Phi (thôn Thượng Phúc, xã  Đồng Phú), gia đình ông có 3 mẫu đất sản xuất theo phương pháp hữu cơ, mỗi năm cho thu hoạch hơn 6 tấn lúa, được doanh nghiệp thu mua với giá tại ruộng hơn 11.000 đồng/kg (đạt hơn 180 triệu đồng/ha/năm; con số này cao gấp 2 lần so với lúa sản xuất theo phương pháp truyền thống). Bên cạnh đó, người nông dân còn được làm quen với xu hướng phát triển mới của ngành nông nghiệp là sản xuất an toàn và thân thiện môi trường.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết thời gian tới, để nông nghiệp của Chương Mỹ phát triển theo hướng công nghệ cao, huyện sẽ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng sinh thái, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đề xuất các sở, ngành tham mưu thành phố có chính sách đất đai để các doanh nghiệp, hợp tác xã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, huyện hỗ trợ các hợp tác xã về nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi để nông nghiệp trên địa bàn phát triển hiệu quả, bền vững.

Nhiều năm qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) kiên trì phương thức canh tác an toàn và đạt được thành công nhất định. Đến nay, đã khoảng 180 thành viên tham gia gồm phần lớn là những nông dân trung tuổi hoặc đã già, khó chuyển đổi hoặc không thể chuyển đổi sang ngành nghề, dịch vụ khác. Họ cùng nhau canh tác trên tổng diện tích đất 37ha, tạo ra sản lượng 600kg rau/ngày. HTX có cơ sở sơ chế đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm, có đầy đủ bao bì, nhãn mác đúng quy cách, thông tin rõ ràng về phương thức sản xuất cũng như nguồn gốc sản phẩm.

Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX  chia sẻ, để làm rau hữu cơ tốn công hơn hẳn làm rau hóa học vì phải tuân thủ nguyên tắc "năm không" gồm: Không phân hóa học; Không giống biến đổi gen; Không chất kích thích sinh trưởng; Không thuốc diệt cỏ và không thuốc trừ sâu hóa học.Nông dân tự ủ phân hữu cơ từ các loại phân gia súc, gia cầm, phế phụ phẩm nông nghiệp trong ít nhất 3 tháng cho sạch hết ký sinh trùng rồi mới bón cho rau, tự chế thuốc trừ sâu từ các loại thảo mộc, gia vị như tỏi, ớt, gừng giã nhỏ, ngâm rượu rồi phun hoặc dùng phương pháp bắt thủ công hay bẫy dính.

Việc ứng dụng công nghệ, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, rau hữu cơ đạt chất lượng cao, “HTX có 18 sản phẩm được UBND TP Hà Nội phân hạng 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được nhiều đơn vị liên kết tiêu thụ như công ty Tâm Đạt, công ty Lục Thủy cùng các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch và bếp ăn tập thể khác với giá ổn định trên dưới 20.000 đ/kg, đem lại thu nhập khá cho các thành viên bà Hoàng Thị Hậu chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố có 2.000ha trồng trọt hữu cơ, 10,1ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ, giai đoạn 2023-2025, thành phố đã xác định năm nhóm cây trồng chủ lực, có thế mạnh để tập trung phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ gồm: Lúa, rau màu, cây ăn quả, chè và dược liệu-lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, vùng lúa hữu cơ đạt hơn 1.420ha, đáp ứng từ 10 đến 15% nhu cầu lương thực cho người dân Thủ đô. Vùng rau, cây ăn quả và chè hữu cơ đạt 1.150ha và vùng sản xuất dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên khoảng 190ha. Diện tích đất canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ sẽ chiếm ít nhất 1,5% tổng diện tích đất nông nghiệp.

Với định hướng sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm NNHC thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Cùng với đó, tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ HTX, DN đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu.

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội 

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)