10:08:23 | 17/5/2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước
Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Trong đó, về mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.
Giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện VIII cũng đã xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, và nhu cầu vốn đầu tư.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.
Cải thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII là một bước quan trọng trong việc hoàn thiện khung chính thức của Chính phủ nhằm cải cách hệ thống năng lượng.
Ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, liên quan đến tắc nghẽn lưới điện khẩn cấp và các vấn đề cắt giảm cao, việc gảm bớt tắc nghẽn và giảm rủi ro cắt giảm năng lượng tái tạo là rất quan trọng. ADB sẵn sàng xem xét tài trợ từ chính phủ và ngoài chính phủ để tăng cường hệ thống lưới điện truyền tải với các dịch vụ phụ trợ nhằm đảm bảo sự ổn định của lưới điện với nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Keiju Mitsuhashi, quá trình chuyển đổi năng lượng nên được thực hiện với chi phí thấp nhất cho nền kinh tế và con người. Các chính sách giá bán điện mặt trời và gió của Việt Nam đã khuyến khích khối lượng đầu tư lớn từ khu vực tư nhân và cho phép thị trường điện mặt trời và gió phát triển rất nhanh nhưng nó đi kèm với một chi phí cao. Để giải quyết vấn đề này, ADB hoan nghênh quyết định của chính phủ thiết lập cơ chế đấu thầu cho các dự án thế hệ mới. Ngoài ra, các thách thức của việc hỗ trợ tích hợp sản xuất năng lượng tái tạo không liên tục trong hệ thống lưới điện đòi hỏi sự linh hoạt đáng kể của hệ thống điện để cân bằng đầy đủ giữa cung và cầu. Việt Nam có một số cách mới để giải quyết thách thức này nhưng điều quan trọng là phải thực hiện phương pháp tiếp cận dự án thí điểm thông qua khu vực công để trước tiên xác định các lĩnh vực cần cập nhật pháp lý và quy định, đồng thời đánh giá giá trị kinh tế và tài chính của các dự án này trong hệ thống điện của Việt Nam, có thể được sử dụng làm chuẩn mực để phát triển các khuôn khổ pháp lý và quy định phù hợp cũng như các cơ chế thị trường hiệu quả.
“ADB cũng dự định cung cấp thêm các hoạt động hỗ trợ kiến thức nâng cao, tư vấn giao dịch PPP và kết hợp tài trợ và đồng tài trợ từ các bên cho vay thương mại để bổ sung cho những nỗ lực này”, ông Keiju Mitsuhashi khẳng định.
Theo ông John Rockhold, Chủ tịch AMCHAM tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam sẽ cần các dự án năng lượng khả thi cả về mặt kinh tế và tài chính ngân hàng. Ngoài việc đảm bảo ổn định, vững mạnh và tăng trưởng hệ thống lưới điện, Việt Nam cũng phải đảm bảo đủ nguồn điện chạy nền để dần thay thế cho than. Điều này có nghĩa việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hydrogen, điện gió và điện mặt trời có hệ thống lưu trữ sẽ phải đạt được khi có sự kết hợp cùng với nguồn điện khí/LNG linh hoạt mà phần nhiều trong số đó sẽ được dần dần chuyển sang hydrogen để làm nguồn chạy nền, cùng với các giải pháp năng lượng tái tạo quy mô lớn độc lập không nối lưới và việc phát triển chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Việc Chính phủ Việt Nam hỗ trợ chủ động hơn đối với các nguồn tài chính nước ngoài cũng cần thiết để đảm bảo tính khả thi về mặt tài chính cho các dự án có quy mô lớn. Việc cải thiện khung cơ chế, pháp lý về hợp đồng và quản lý rủi ro, trong đó tập trung nâng cao tính có thể dự báo, hiệu quả, chắc chắn và rõ ràng, là rất cần thiết để tiếp tục thu hút các khoản đầu tư dài hạn của khu vực kinh tế tư nhân vào ngành điện ở Việt Nam… Các dự án điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi quy mô lớn khai thác tiềm năng to lớn của Việt Nam cùng với kết hợp hệ thống lưu trữ năng lượng có thể tạo ra sự ổn định cơ cấu nguồn điện và giải quyết những hạn chế hiện nay. Một lượng đầu tư lớn đang được đổ dồn vào năng lượng và cải tiến công nghệ lưu trữ năng lượng, và rất nhiều trong số đó đang đạt được tiến bộ mỗi ngày.
Về vấn đề truyền tải điện, theo Chủ tịch AMCHAM, tương ứng với chiến lược của Chính phủ, trong quá trình thực hiện quy hoạch sẽ cần thiết đẩy nhanh việc cải thiện và cải cách các khung pháp lý để cho phép sự tham gia nhanh chóng hơn của khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án lưới điện. VN cần xây dựng các quy định có tính linh hoạt hơn và phát triển các quy định về các mô hình doanh thu cho các dự án đầu tư lưới điện có thể giúp ích tạo thuận lợi cho việc triển khai đầu tư vào các dự án lưới điện…
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
07/12/2023 (thứ năm)
Hội trường số 1, tầng 7, toà nhà VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội