Giữ nghề truyền thống

13:05:10 | 7/8/2023

Hà Nội có 4 nghề tinh hoa nổi tiếng đã được khẳng định qua câu ca “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”, trong đó thợ vàng Định Công đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng nghề này cũng thăng trầm và mai một. Hiện nay, nghề đậu bạc tại Định Công vẫn đang được gìn giữ từ tâm huyết của dòng họ Quách trong làng.

Đến với làng Định Công, nằm khuất trong con ngõ nhỏ phía sau đình làng, xưởng đậu bạc của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn hàng ngày chế tác ra những sản phẩm đậu bạc tinh xảo. Anh là một trong số ít những nghệ nhân còn lưu giữ nghề truyền thống hàng nghìn năm tuổi của ông cha để lại.

Nghệ nhân làng Định Công nức tiếng cả nước bởi kỹ thuật đậu kim hoàn, vì thế dân trong nghề gọi làng Định Công là “hàng đậu”. Sau này, khi bạc trở thành nguyên liệu chính để chế tác sản phẩm, lúc đó nghề đậu bạc cũng ra đời, gắn liền với người dân làng Định Công. Trước thời Pháp thuộc, có hơn một nửa số gia đình ở Định Công theo nghề truyền thống. Sau này, do thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều thợ bạc ở đây phải chuyển sang làm nông nghiệp và một số công việc khác, nghề đậu bạc dần bị rơi vào quên lãng.

Xưởng đậu bạc của gia đình anh Quách Tuấn Anh nằm bên trong đền thờ tổ nghề kim hoàn. Hiện nay, xưởng có 6 người thợ trẻ làm việc. Đa phần thợ làm đậu bạc tại đây đều giản dị, ít lời. Họ cứ miệt mài ngồi bên góc bàn tạo hình và hoàn thiện sản phẩm. Anh Tuấn Anh cho biết: Người thợ đậu bạc có cái kiên trì, miệt mài, tỉ mẩn và sự sáng tạo với sản phẩm nhưng lại rất vụng về với cách bán hàng hay giới thiệu sản phẩm của mình.  Không giống như sản phẩm bạc công nghiệp có thể sản xuất hàng loạt, các sản phẩm Đậu bạc làng nghề thường làm bằng tay nên một mẫu sản phẩm làm rất công phu. Những sản phẩm phổ thông như Nhẫn, dây chuyền, hoa tai… làm kiên trì thì cũng phải 3 ngày mới xong một mẫu. Còn những mẫu tranh đậu bạc thì kéo dài hàng tháng mới hoàn thiện. Người thợ đậu bạc không làm vội hay qua loa được. Họ làm tỉ mẩn đến khi nào sản phẩm thành công mới ngừng tay chuyển sang mẫu mới.

Một người thợ để đạt được mức lành nghề thường phải mất từ 2 năm trở lên, tùy theo sự chuyên tâm và độ khéo léo của đôi tay cũng như óc thẩm mỹ. Chính vì thế, không nhiều người có thể thành công sau thời gian học nghề. Một số ít những người thợ có đủ sự kiên trì để theo nghề, anh nhận họ ở lại xưởng để cùng làm việc. Đến nay, xưởng của anh có hơn chục nhân công lành nghề, có thể làm việc độc lập để cho ra những sản phẩm với yêu cầu kỹ thuật cao. Vì mất nhiều thời gian, cùng với nguyên liệu bạc không hề rẻ nên giá của những sản phẩm đậu bạc cũng tương đối cao. Mỗi sản phẩm đậu bạc bán ra có giá từ khoảng 1 triệu đồng đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Ngoài xuất phát từ niềm đam mê, anh Tuấn Anh nhận thấy nghề đậu bạc hiện đang có tiềm năng để khôi phục. Nếu trước đây những người thợ làm nghề có mối lo về "đầu ra" thì đến nay thị trường tiêu thụ đã tương đối ổn định. Các sản phẩm hiện đang được sản xuất chủ yếu là mặt hàng trang trí, bên cạnh đó còn có đồ trang sức. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khắp trong Nam ngoài Bắc biết đến sản phẩm của anh, đã tìm đến đặt hàng để làm quà tặng cho khách hàng, đối tác, người thân… ở trong nước và cả nước ngoài. Hiện tại, xưởng của anh sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường. Dịp gần Tết, xưởng phải hoạt động thêm giờ để kịp tiến độ.

Để khôi phục được nghề đậu bạc truyền thống, những nghệ nhân làng Định Công như anh Tuấn Anh đã mất nhiều thời gian và công sức. Trên hết, bằng những tâm huyết và sự sáng tạo không ngừng, họ không chỉ giữ nghề, mà còn phát triển nghề đậu bạc lên một tầm cao mới, từ đó tìm lại chỗ đứng cho sản phẩm của làng nghề đã từng một thời thịnh vượng.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)