14:17:08 | 3/8/2023
Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng các chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư để hướng đến các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược. Sự có mặt của các dự án đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn tạo ra “làn sóng” đầu tư mới cho Vĩnh Phúc.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhất là 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp sang hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư trong thập niên thứ 3 của thế kỷ này theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn trên cơ sở hợp tác hiệu quả với các đối tác đầu tư chiến lược, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp chế tạo công nghệ cao không những của Việt Nam mà còn của khu vực và thế giới.
Công ty TNHH TKr Manufacturing Việt Nam 100% vốn của Nhật Bản
Việc điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư, hướng đến các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao không chỉ đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mà còn góp phần hình thành, phát triển các trung tâm đổi mới phát triển, các chuỗi sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, cải thiện lợi thế cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc trong bối cảnh hội nhập. Đến nay, Vĩnh Phúc đã có các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược cũng như có sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như: Công ty Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam… Các nhà đầu tư này đã góp phần tạo nên bức tranh kinh tế Vĩnh Phúc hiện tại bởi những đóng góp quan trọng của họ đối với thu ngân sách, giải quyết việc làm và thúc đẩy xuất khẩu của tỉnh.
Mục tiêu giai đoạn 2022-2030
Thu hút thêm từ 2,0-2,5 tỷ USD vốn FDI, từ 20-25 tỷ đồng vốn DDI; Hoàn thành các mục tiêu cụ thể theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nâng tỷ lệ vốn đầu tư của các quốc gia, vùng lãnh thổ vào tỉnh như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Pháp, Đức, Ý, Liên Bang Nga, Anh, Hoa Kỳ… lên tới 80% vào năm 2030; Thu hút từ 1-5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng đầu tư vào tỉnh; Thu hút các tập đoàn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản
Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư
Về công nghiệp: Khuyến khích, thu hút các công ty đầu tư theo chuỗi, phát triển các ngành công nghiệp ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện tử, viễn thông, công nghiệp chế biến thực phẩm và các dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực trên.
Về nông nghiệp: Ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Về du lịch, dịch vụ: Ưu tiên các dự án y tế, giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao, các dự án du lịch, khách sạn nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Về hạ tầng: ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành; các dự án xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt.
Hiện thực hóa thu hút đầu tư
Để đạt và vượt các mục tiêu thu hút đầu tư trong giai đoạn này, Vĩnh Phúc sẽ đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp: Ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp, gồm:
Xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; minh bạch các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư; tăng cường kết nối, tích hợp dịch vụ công trực tuyến gắn với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở đồng bộ; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư chọn lọc.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ nhà đầu tư và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Bên cạnh các lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật… một trong những yếu tố mang tính quyết định đến thành công trong thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc chính là sự năng động, chủ động, cầu thị, sát sao của toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong việc kết nối, xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, chân thành, hiệu quả với nhà đầu tư, góp phần tạo đột phá phát triển cho Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Trần Ngọc (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI