11:24:55 | 7/9/2023
Việc doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mục tiêu kỳ vọng
Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26). Đề án với mục tiêu để Việt Nam tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phát biểu tại hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” được tổ chức mới đây, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Việc đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo đó, các hoạt động tuyên truyền thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động, cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa sản xuất và sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hiệu suất cao, có thể tiết kiệm từ 20 – 40% lượng điện tiêu thụ, tùy quy mô và công nghệ trong khối doanh nghiệp sản xuất.
Nhận định về tình hình sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam, ông John Robert Cotton - Quản lý Chương trình Cấp cao của Quỹ Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đánh giá: Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp phụ trợ có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng và tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, tính bền vững và sản xuất xanh.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có xu hướng bỏ qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp.
Từ thực trạng trên, Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” được triển khai tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam - tập trung nhiều doanh nghiệp với nhiều mục tiêu kỳ vọng.
Dự kiến kết quả của dự án là 100 nhà sản xuất trong hai ngành được tuyên truyền nâng cao nhận thức và cải thiện các phương thức quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 10 nhà máy sẽ được hỗ trợ phát triển các dự án hiệu quả năng lượng khả thi; 03 nhà máy tiếp cận doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu suất năng lượng.
Cùng với đó, thiết lập 01 mạng lưới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm các nhà sản xuất, Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO), các tổ chức tài chính và các bên liên quan; tham vấn lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO và thí điểm công cụ đo điểm chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cần sự chung tay
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Điều phối dự án, Ban quản lý dự án, VCCI cho biết: Đầu ra lớn nhất của Dự án là đóng góp cho Chương trình Tiết kiệm năng lượng Quốc gia giai đoạn 2019 - 2030 và quá trình triển khai mô hình kinh doanh ESCO tại Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn cùng xây dựng nên cộng đồng doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó, liên kết với các nhà tài trợ và dự án khác. Sau khi kết thúc, Dự án sẽ có tác động và hấp dẫn được thêm các đối tác tham gia với quy mô lớn hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền khẳng định.
Tuy nhiên để làm được điều này cần sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự chung tay của Nhà nước và các tổ chức tài chính.
Ông Trần Hà Ninh, đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các giải pháp liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể kể đến là: Tăng cường các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và thúc đẩy chuyển dịch sang năng lượng sạch; tăng tỷ lệ thâm nhập của các thiết bị tiết kiệm năng lượng và hiệu suất cao, sử dụng hydro thay thế than đá; điện khí hóa nông nghiệp và thiết bị tiết kiệm năng lượng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp sau thu hoạch; phát triển các công trình, nhà ở chống nóng, sử dụng các giải pháp làm mát xanh, thân thiện với thiên nhiên, sử dụng vật liệu xây dựng ít phát thải, vật liệu tái chế,...
Cùng với đó, có thể áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng điện hiệu quả đối với những lĩnh vực, ngành có mức tiêu thụ điện cao. Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai mô hình kinh doanh ESCO cũng là giải pháp khả quan với doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng ban Chuyển đổi năng lượng, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) cho biết: AFD mong muốn mở rộng tài trợ cho các dự án xanh thông qua các ngân hàng thương mại Việt Nam. AFD cấp các hạn mức tín dụng xanh cho các ngân hàng và các ngân hàng cấp tín dụng cho Doanh nghiệp và AFD có thể cấp bảo lãnh cho ngân hàng để chia sẻ rủi ro.
“AFD đang xây dựng chương trình tiết kiệm năng lượng toà nhà, Việt Nam và Campuchia là đối tượng thụ hưởng chính. Tuy nhiên với vai trò chủ thể chính, các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn cần đồng hành xây dựng các dự án tốt để triển khai”, bà Nguyễn Thị Thanh An nhấn mạnh.
Thu Hà (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI