10:46:31 | 10/9/2023
Thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2023, các tổ chức tín dụng (TCTD) và ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang hoạt động ổn định, hiệu quả. Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế tại địa phương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng chỉ đạo chi nhánh các TCTD triển khai công tác tín dụng, chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản.
Khai trương Vietbank Chi nhánh An Giang
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang, kết quả cho vay nền kinh tế đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng đạt 106.303 tỷ đồng, tăng 4,14% so với cuối năm 2022 (tăng 4.229 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ cấp tín dụng ngắn hạn là 82.986 tỷ đồng, chiếm 78,07%. Dư nợ cấp tín dụng trung, dài hạn là 23.317 tỷ đồng, chiếm 21,93%.
Dư nợ cấp tín dụng theo thị phần ngân hàng: Các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và có vốn chi phối nhà nước là 45.124 tỷ đồng, chiếm 42,45%; chi nhánh NHTM cổ phần đạt 53.974 tỷ đồng, chiếm 50,77%; ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đạt 4.416 tỷ đồng, chiếm 4,15%; quỹ tín dụng nhân dân đạt 2.789 tỷ đồng, chiếm 2,62%.
Dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 55 ngày 9/6/2015 của Chính phủ và Thông tư số 10 ngày 22/7/2015 của NHNN) đạt 67.534 tỷ đồng, chiếm 63,53% tổng dư nợ, tăng 4,85% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 16.268 tỷ đồng, tăng 4,29% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 13.351 tỷ đồng, tăng 2,35% so với cuối năm 2022.
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh An Giang: Kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng liên tục đã tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp, cũng như gây áp lực lên điều hành tỷ giá. Ban Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung nguồn vốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bằng giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới,... Qua đó đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sự ổn định.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng cho rằng, để hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng an toàn, hiệu quả, thời gian tới, ngành sẽ tập trung vốn cho vay sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ theo đúng định hướng, chỉ đạo của NHNN.
Cùng với đó, là các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận và hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
07/12/2023 (thứ năm)
Hội trường số 1, tầng 7, toà nhà VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội