15:07:30 | 15/9/2023
Chip bán dẫn và đất hiếm đang có vai trò quan trọng cho tương lai công nghệ toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân gây ra cuộc đua khốc liệt trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao giữa các nước phát triển, trong đó Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều quốc gia đã tìm thấy ở Việt Nam cơ hội hợp tác ở hai lĩnh vực quan trọng nói trên trên.
Cuộc chiến chip bán dẫn và cơ hội cho Việt Nam
Chip bán dẫn chính là "bộ não" của hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại di động, máy tính cá nhân đến máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng blockchain 5G, robot… Ngay cả trong lĩnh vực giao thông, các hệ thống thông tin và điều khiển dựa vào chip để duy trì an toàn và hiệu suất. Với tầm quan trọng như vậy, dễ hiểu vì sao quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029.
Tại Mỹ, 88% chip sử dụng trong nước được nhập khẩu, và Trung Quốc, Đài Loan là một trong những nguồn cung cấp chính cho Mỹ. Để đề phòng rủi ro phụ thuộc nguồn cung, Mỹ tìm kiếm một quốc gia để sản xuất chip, và Việt Nam đã nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn.
Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Theo VNBC, Việt Nam đã nổi lên như một cơ sở sản xuất thay thế Trung Quốc cho các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Theo Công ty nghiên cứu Technavio, giá trị thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,65 tỷ USD từ nay đến năm 2025.
Tháng 7/2023, khi lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Mỹ đang làm việc với các quốc gia đối tác để tăng cường đầu tư, trong đó dành một quỹ mới trị giá 500 triệu USD cho các dự án bán dẫn và viễn thông quốc tế theo Đạo luật CHIPS.
“Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đồng thời chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực bán dẫn”, Bộ trưởng Janet Yellen nhấn mạnh.
Trên thực tế, Việt Nam - sau khi trở thành điểm đến của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, đang dần từng bước thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực bán dẫn. Trong đó, Intel là cái tên được nhắc đến trước tiên, với dự án quy mô gần 1,5 tỷ USD tại TP.HCM.
Không phải chỉ có Hoa Kỳ, nhiều quốc gia phát triển khác cũng đang muốn tới Việt Nam để đầu tư sản xuất các kinh kiện bán dẫn. Hàn quốc có Tập đoàn Samsung, Amkor với các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Trung Quốc có tập đoàn Victory Gaint Technology đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I (Nghệ An với tổng vốn đầu tư 293 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ giữa năm 2025.
Đức có Infineon Technologies AG với dây chuyển và giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT, đồng thời thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội. Đại diện công ty Infineon Technologies AG nhìn nhận, thành phố Hà Nội có vị thế trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển nổi tiếng quốc tế, có tiềm năng phát triển với các trung tâm của Infineon ở Đức, Áo, Ấn Độ và Singapore.
Một số Tập đoàn Việt Nam cũng đang nghiên cứu phát triển chip bán dẫn. Theo đó, Tập đoàn FPT sẽ có thêm 7 dòng chip mới trong năm nay. Hiện FPT đã có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác, với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong năm 2024 và 2025. Tập đoàn này cũng đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Viettel đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G và sẽ sớm thương mại hóa, đây là những tín hiệu đáng khích lệ cho ngành vi mạch Việt Nam.
Cơ hội phát triển từ đất hiếm
Đất hiếm là nguyên liệu sản xuất nam châm hiệu suất cao trong ô tô điện, mạng điện thoại 5G, quang điện và các vi mạch, tua-bin gió và trong lĩnh vực viễn thông và quốc phòng. Hiện Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm cao nhất thế giới, khoảng 44 triệu tấn.
Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy Việt Nam sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai giới - ước tính khoảng 22 triệu tấn. Sản lượng đất hiếm của Việt Nam đã tăng lên 4.300 tấn vào năm 2022, gấp 11 lần so với 400 tấn vào năm 2021.
Hiện Việt Nam đặt mục tiêu tăng sản lượng đất hiếm lên 2,02 triệu tấn vào năm 2030, và được khai thác tại 9 mỏ ở các tỉnh phía Bắc bao gồm Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Từ năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm thêm từ 3 đến 4 dự án khai thác mới nhằm nâng sản lượng đất hiếm thô lên 2,11 triệu tấn vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ đầu tư vào các cơ sở khai thác đất hiếm, với mục tiêu sản xuất hàng năm từ 20.000 tấn đến 60.000 tấn oxit đất hiếm riêng rẽ (REO) vào năm 2030. Kế hoạch trên nhằm mục đích tăng sản lượnghàng năm lên từ 40.000 tấn đến 80.000 tấn vào năm 2050.
Thử làm một bài toán đơn giản, nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD, một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế cả nước.
Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam được phát hiện từ năm 1958, bao gồm hai thân quặng lớn ở tỉnh Lai Châu, cũng như các sa khoáng có giá trị thấp hơn ở một số vùng ven biển. Khảo sát và đánh giá địa chất đã được thực hiện từ năm 1958-1969 tại hai thân quặng Nậm Xe và Đông Pao.Các mỏ đất hiếm chính khác đã được đặt tại: Mường Hum thuộc tỉnh Lào Cai và tại Yên Phú thuộc tỉnh Yên Bái.
Mặc dù không có báo cáo khảo nghiệm đầy đủ cho các phát hiện sau, nhưng dữ liệu có sẵn cho thấy rằng các thân quặng này chứa trữ lượng đã được chứng minh và có trữ lượng tối thiểu là 11 triệu tấn oxit đất hiếm, được chia nhỏ như sau: Nậm Xe - 7,7 triệu tấn; Đông Pao - 3,17 triệu tấn; Mường Hum - 400.000 tấn và Yên Phụ - 5.000 tấn. Các nghiên cứu lấy mẫuvà đánh giá đã chỉ ra rằng các mỏ ở Nậm Xe có trữ lượng quặng oxit đất hiếm trên thực tế nhiều hơn 10 triệu tấn so với con số đã nêu.
Việc gia nhập và chuỗi cung ứng chip bán dẫn và nguồn trữ lượng đất hiếm dồi dào là bệ phóng giúp Việt Nam phát triển kinh tế, góp phần hiện thực hóa đặt mục tiêu đến 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
07/12/2023 (thứ năm)
Hội trường số 1, tầng 7, toà nhà VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội