15:16:03 | 15/9/2023
Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian qua tỉnh Kon Tum đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, điều hành công việc, giải quyết nhanh gọn các TTHC, đáp ứng với yêu cầu phục vụ người dân trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kontum
Với những nỗ lực không ngừng, đến nay công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả nhất định về cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ, công chức; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số…Cụ thể về cải cách thể chế, hệ thống thể chế tiếp tục được xây dựng hoàn thiện, đổi mới, các văn bản QPPL ban hành phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và có tính khả thi cao. Cải cách TTHC được chú trọng, chất lượng giải quyết TTHC được nâng lên. Bộ TTHC ở các cơ quan, đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt thường xuyên được rà soát, hoàn thiện. Tổ chức hoạt động của bộ máy đã được điều chỉnh, sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp. Cơ chế một cửa đã được củng cố, kiện toàn ở các cấp, phát huy hiệu quả thiết thực. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đã dần được nâng lên theo hướng chuẩn hóa, việc quản lý đội ngũ cán bộ công chức đã dần đi vào nề nếp.
Về cải cách tài chính công, tỉnh Kon Tum đã tiến hành khoán biên chế hành chính, sự nghiệp cho 624/811 cơ quan, đơn vị, trong đó 147/244 đơn vị hành chính và 477/567 đơn vị sự nghiệp. Về hiện đại hoá hành chính, đến nay tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được kết nối mạng WAN của tỉnh; cơ sở dữ liệu được quản lý, liên kết thông tin qua trung tâm tích hợp dữ liệu; hệ thống trang thông tin điện tử được vận hành và duy trì.
Từ đầu năm 2022, thực hiện Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kon Tum là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thay cho công chức, viên chức của các sở, ban ngành, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp. Ngoài ra để giảm thời gian và chi phí đi lại cho người dân, tổ chức, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính; qua đó cung cấp thêm một địa điểm để người dân, tổ chức có thể lựa chọn để nộp hồ sơ TTHC tại nơi người dân, tổ chức sinh sống và làm việc. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã triển khai thực hiện phương án tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh đối với 23 TTHC (cấp tỉnh 19 thủ tục; cấp huyện 04 thủ tục).
Công dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Hiện nay, Cổng dịch vụ công tỉnh Kon Tum đã sử dụng nền tảng thanh toán trực tuyến của cổng Dịch vụ công quốc gia, do đó 100% TTHC có phí, lệ phí đều có thể thực hiện thanh toán trực tuyến theo hình thức sử dụng mã hồ sơ và sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ví điện tử của trung gian thanh toán để nộp phí, lệ phí. Văn phòng UBND tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai nhằm giảm thời gian đi lại của cá nhân, hộ gia đình làm các thủ tục có liên quan đến nộp thuế về đất đai. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến đã giảm tối thiểu 3 lần đi lại cho cá nhân và hộ gia đình khi làm thủ tục về đất đai. Việc số hóa thủ tục giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các TTHC, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có sự chuyển biến tích cực. Qua kết quả công bố các chỉ số của năm 2022, nhiều chỉ số đã được cải thiện so với năm 2021 như: Chỉ số PCI năm 2022 đã tăng 24 bậc so với năm 2021, xếp hạng 37/63 tỉnh, thành; tương tự Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 2 bậc, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành; Chỉ số PAPI xếp thứ 54/63 tỉnh, thành. Riêng đối với Chỉ số PAR INDEX, năm 2022 đã cải thiện 4 bậc so với năm 2021. Trong đó có nhiều chỉ số thành phần được cải thiện đáng kể so với năm 2021 như: Chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy tăng 27 bậc; Chỉ số thành phần cải cách thể chế tăng 17 bậc; Chỉ số thành phần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 31 bậc.
Những kết quả ban đầu đạt được trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là minh chứng cho tinh thần "đổi mới, sáng tạo, đồng hành" và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum trong giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong suốt thời gian qua; qua đó góp phần nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC; rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, cấp phép đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện không còn phù hợp.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tại địa phương. Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và nhiệm vụ hiện đại hoá phương thức chỉ đạo điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số theo Nghị quyết số 131/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Song song đó tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt ở các cấp trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện. Tiếp tục thực hiện việc số hóa kết quả giải quyết TTHC để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin nhiều lần khi thực hiện các TTHC, đảm bảo lộ trình theo Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ.
Thường xuyên cập nhật, công khai TTHC để người dân, tổ chức kịp thời tiếp cận quy định, thủ tục mới. Thực hiện hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan. Đồng thời triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ để kịp thời tiếp nhận, xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, qua đó tạo dựng niềm tin nơi doanh nghiệp.
Công Luận (Vietnam Business Forum)
07/12/2023 (thứ năm)
Hội trường số 1, tầng 7, toà nhà VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội