09:17:51 | 18/9/2023
Với vị trí địa lý thuận lợi, tập trung đầu tư hạ tầng tới chân hàng rào các khu công nghiệp (KCN), cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt, hợp lý từ khâu bắt đầu làm thủ tục đầu tư đến suốt quá trình sản xuất kinh doanh... đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Khu công nghiệp Bá Thiện II hấp dẫn các nhà đầu tư
Từ chỗ chỉ có 1 KCN khi mới tái lập, đến nay, Vĩnh Phúc đã có 19 KCN được quy hoạch, trong đó có 16 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích 3.156,96 ha. Các KCN của tỉnh đều có vị trí thuận lợi, nằm dọc các trục quốc lộ, tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao. Bám sát định hướng phát triển của tỉnh, thời gian qua, các chủ đầu tư đã tập trung đầu tư nguồn lực, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng các KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại. Từ đó, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Được khởi công xây dựng từ tháng 9/2017, dự án KCN Thăng Long Vĩnh Phúc có tổng diện tích hơn 213ha. Tháng 11/2018, dự án khánh thành giai đoạn 1, với diện tích khoảng 100ha. Với tiềm lực tài chính, đội ngũ quản lý nhiều kinh nghiệm từ Công ty TNHH KCN Thăng Long và Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, chủ đầu tư đã xây dựng nên một trong những KCN kiểu mẫu của tỉnh Vĩnh Phúc. Hệ thống giao thông, trạm điện, xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại tạo nên điểm nhấn về hạ tầng công nghiệp, gây ấn tượng mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư khó tính. Đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút được 32 dự án đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy đạt 82%. Theo cam kết, đến hết năm 2024, KCN này cơ bản sẽ hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, thu hút khoảng 80 nhà đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất động cơ, phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy; sản xuất phụ kiện điện tử, các sản phẩm cơ khí chính xác…
Nhà máy CNCTECH (KCN Thăng Long Vĩnh Phúc)
Sức hấp dẫn của KCN Bá Thiện II không chỉ đến từ vị trí địa lý mà còn ở sự đồng bộ về hạ tầng, hiện đại về công nghệ. Hệ thống giao thông nội bộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bê tông nhằm hạn chế tối đa việc các nhà máy phải phân bố lại kế hoạch sản xuất do việc nâng cấp sửa chữa mặt đường gây ra. Toàn bộ hệ thống cấp thoát nước của KCN cũng được đi ngầm bên dưới hành lang đường, tạo sự an toàn và vệ sinh chung cho các phương tiện và công nhân lưu thông trong KCN. Cùng với đó là khu nhà điều hành hiện đại với nhiều tiện ích và dịch vụ phục vụ cho các nhà máy sản xuất; không gian xanh, sạch, thân thiện với môi trường; hệ thống xử lý nước thải đạt công suất 10.000m3/ngày đêm theo tiêu chuẩn quốc tế. Đại diện chủ đầu tư KCN Bá Thiện II chia sẻ: Nhờ chú trọng phát triển một KCN kiểu mẫu, hiện đại, phát triển theo hướng xanh, bền vững, KCN Bá Thiện II đã thành công trong việc đón sóng đầu tư từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Điển… Tính đến thời điểm hiện tại, KCN Bá Thiện II đã thu hút 73 dự án của nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư trên 900 triệu USD, giải quyết việc làm ổn định cho trên 23.000 lao động. Một số doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại KCN Bá Thiện II phải kể đến TAL Việt Nam, Nippon Paint Vĩnh Phúc, Weldex Vina, Assa Abloy, Polaris…
Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu thực tế và đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã giúp tạo thế và lực mới để thu hút đầu tư hiệu quả. 8 tháng đầu năm 2023, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đạt kết quả khả quan. 8 tháng đầu năm 2023, các KCN Vĩnh Phúc thu hút được 17 dự án FDI mới và 28 lượt dự án FDI tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 445,53 triệu USD (cấp mới: 229,56 triệu USD; tăng vốn: 215,97 triệu USD), đạt 171% so với cùng kỳ năm 2022 và 127% kế hoạch năm 2023; thu hút 9 dự án DDI và 4 lượt dự án DDI tăng vốn với tổng vốn đầu tư dự án DDI cấp mới và tăng thêm là 5.681,3 tỷ đồng (cấp mới: 3.744,5 tỷ đồng; tăng vốn: 1.936,8 tỷ đồng), đạt 260% so với cùng kỳ năm 2022 và 189% so với kế hoạch năm 2023. Đến ngày 15/8, các KCN Vĩnh Phúc có 467 dự án còn hiệu lực, gồm 106 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 32.254,25 tỷ đồng và 361 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.251,1 triệu USD. Trong đó, có 403 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 86,3% tổng số dự án.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực thiện tốt công tác quy hoạch, đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng đối với các KCN mới có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định thành lập; giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án; đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các khu vệ tinh…
Đồng thời, kiên định với chiến lược phát triển bền vững, Vĩnh Phúc đang đẩy nhanh việc điều chỉnh, quy hoạch các KCN theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh, từng bước xây dựng, hình thành nên những KCN kiểu mẫu, góp phần thu hút những dự án có sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI