13:23:08 | 10/11/2023
Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng ngành Nông nghiệp Phú Thọ đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ |
Nhiều thành tựu vượt bậc
Trong điều kiện nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng với sự chung sức vượt khó, sáng tạo của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân,... ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã duy trì tăng trưởng ở mức khá cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 9.118 nghìn tỷ đồng, đóng góp 18,7% GRDP của tỉnh, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác nông, lâm, thủy sản bình quân ước đạt trên 125,5 triệu đồng/ha, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, ổn định chính trị xã hội.
Các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều đổi mới; kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại có bước phát triển tốt. Ước hết năm 2023 có khoảng 400 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động; 351 trang trại; hình thành được 93 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, giúp gia tăng giá trị sản phẩm (từ 15 - 20%). Nhiễu chuỗi đã thiết lập được hệ thống các đại lý, cửa hàng tiện ích trên cả nước.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã hình thành 450 vùng trồng tập trung với diện tích 19,6 nghìn ha (trong đó: 157 vùng trồng lúa chất lượng cao với diện tích 9,6 nghìn ha; 70 vùng sản xuất chè chất lượng cao tập trung với tổng diện tích 5,8ha; 166 vùng sản xuất bưởi tập trung với diện tích 2,7 nghìn ha; 33 vùng sản xuất chuối tập trung với diện tích trên 01 nghìn ha; 24 vùng sản xuất rau tập trung với quy mô 430ha); chăn nuôi lợn tập trung chiếm 37,7% tổng đàn; nuôi gà tập trung chiếm 34,3% tổng đàn, chăn nuôi bò tập trung chiếm 4,8% tổng đàn; có 40 vùng sản xuất cây gỗ lớn tập trung với diện tích 4,4 nghìn ha; 65 khu nuôi thủy sản tập trung với diện tích 1,3 nghìn ha.
Tỉnh cũng đã thiết lập, cấp và quản lý được 74 mã số cho 65 vùng trồng với tổng diện tích 32 nghìn ha và 01 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Một số mô hình liên kết sản xuất gắn với vùng sản xuất tập trung đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa, một số vùng có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Một số sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, có thương hiệu trên thị trường như: Bưởi Đoan Hùng, chè Phú Thọ, gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, mỳ gạo Hùng Lô, rau an toàn Tứ Xã,... Đến nay, đã có 151 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 01 sản phẩm Chè đinh cao cấp Hoài Trung đã được công nhận sản phẩm OCOP hạng 5 sao.
Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao
Với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, tỉnh Phú Thọ đã tập trung cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đồng thời thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết: Để thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao tới người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với tình hình thực tế và tháo gỡ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, để phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương.
Bênh cạnh đó, tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích, quy mô sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong đó tập vào áp dụng các công nghệ về giống chống chịu, giống mới, giống bản địa có chất lượng, giá trị cao; áp dụng quy trình canh tác, chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn, tăng tỷ trọng sử dụng công nghệ sinh học. Xây dựng vùng sản xuất, khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao gắn với chứng nhận tiêu chuẩn, mã vùng, xây dựng thương hiệu, hình ảnh, nhãn hiệu, chuyển đổi số thúc đẩy liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời chủ động mở rộng hợp tác với các đơn vị, chuyên gia nhằm tiếp cận kịp thời với những tiến bộ, công nghệ mới trong sản xuất. Thu hút, mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản suất nông nghiệp công nghệ cao đối với một số sản phẩm của tỉnh như chăn nuôi, sản xuất rau, chè.n
Mạnh Dũng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI