Tạo dựng môi trường kinh doanh mới trong thời kỳ mới

10:14:25 | 14/3/2024

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội đã được nâng cao. Tiếp đó, ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. Đây được coi là “điểm tựa” phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, tạo dựng môi trường kinh doanh mới trong thời kỳ mới. Nghị quyết đặt mục tiêu rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.


Trong cuộc gặp gỡ doanh nhân nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Nhiều mục tiêu được kế thừa

Nghị quyết 41-NQ/TW có nhiều mục tiêu kế thừa từ Nghị quyết số 09-NQ/TW, được xây dựng trên cơ sở căn cứ khảo sát tình hình doanh nghiệp hiện tại và các điều kiện, tình hình thay đổi, từ đó có các điểm mới đáng chú ý. Nghị quyết đã đồng bộ hóa, cụ thể hóa chủ trương định hướng Đại hội XIII đề ra về phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Nghị quyết đặt mục tiêu rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 41- NQ/TW đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Trong đó, đề ra phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VCCI với chức năng, nhiệm vụ là “tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp” đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp; phát triển hội viên, phát triển tổ chức ngày càng vững mạnh; là cầu nối vững chắc giữa Đảng với doanh nhân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,...

Doanh nghiệp và các bên liên quan nói gì?

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân đã có sự phát triển lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Vai trò của doanh nhân và các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp được củng cố và phát huy rõ rệt. Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân của Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Với hơn 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn khiêm tốn; trong khi số doanh nghiệp lớn, có khả năng tạo ra các chuỗi cung ứng, phụ trợ còn ít, kể cả doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Môi trường Nghệ An cho biết, bên cạnh tạo dựng một môi trường kinh doanh mới cho doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ mới thì Nghị quyết 41 đã nêu rõ yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”. Cũng theo ông Quý, để có được “chính sách đột phá” này, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 41, Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà, VCCI Chi nhánh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình cùng các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương cần tập trung hơn nữa nội dung này nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy hết nội lực.

“Mặc dù được chính quyền địa phương hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện để phát triển, tôi thấy sự liên kết, gắn kết, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp còn chưa tốt. Mặc dù các doanh nghiệp lớn, trong đó có doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn trong việc dẫn dắt và tạo ra chuỗi giá trị này nhưng chúng ta không thể trông chờ và phụ thuộc vào họ. Doanh nghiệp tôi hiện cũng đang bế tắc trong việc tham gia chuỗi, kết nối kinh doanh nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp ngân sách cho tỉnh nhà”, ông Quý lý giải.

Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ, Nghị quyết 41-NQ/TW khẳng định quan điểm tôn trọng và bảo vệ quyền, tiếng nói, lợi ích của đội ngũ doanh nhân. VCCI được giao nhiệm vụ quan trọng trong phối hợp thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW. Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với VCCI sẽ định kỳ theo dõi, đôn đốc các địa phương trên cả nước tổ chức triển khai, trong đó có tỉnh Nghệ An; phối hợp theo dõi giám sát, đôn đốc kiểm tra các chiến lược phát triển doanh nghiệp; phối hợp triển khai các chương trình bồi dưỡng đào tạo, xây dựng kế hoạch tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại diện cho Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Thủ Thường - Phó Chủ tịch Thường trực khẳng định tính đúng đắn và kịp thời của Nghị quyết 41. Bên cạnh những nội dung mới như hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến thì Nghị quyết nhấn mạnh đến đạo đức, tinh thần kinh doanh, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Theo ông Thường, hiện có không ít doanh nghiệp, doanh nhân vì chút lợi ích mà có các hành vi vi phạm pháp luật như: Sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; trốn thuế, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN…; vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và ít quan tâm tới trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp hội viên cựu chiến binh tỉnh Nghệ An luôn thực hiện nghiêm túc pháp luật, có trách nhiệm xã hội và luôn đi đầu trong công tác từ thiện. “Chúng tôi thường xuyên hỗ trợ nhau trong công việc, tuyên truyền và khích lệ văn hóa, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng. Nghị quyết 41 như một “luồng gió mới” khích lệ và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh và ý thức chấp hành pháp luật”, ông Thường nói.

Để Nghị quyết triển khai được kịp thời và có hiệu quả, ngay từ bây giờ, các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các địa phương cần tạo mọi điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai mạnh mẽ những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục và quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, triển khai Nghị quyết; chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. VCCI và các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp từ Trung ương tới địa phương cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình nhằm phối hợp thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 41 đề cập.

PHAN DUY HÙNG

Chi nhánh VCCI Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình

Nguồn: Vietnam Business Forum