Du lịch cần tiếp sức để bứt phá mạnh mẽ

09:56:50 | 15/3/2024

Theo bà Nguyễn Thị Lý - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Hậu Giang, sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều bước phát triển mới. Tuy vậy vẫn còn điểm nghẽn cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, ngành, địa phương và người dân, nhất là sự tham gia của nhà đầu tư để du lịch Hậu Giang bứt phá mạnh mẽ.

Du lịch được định vị ra sao trong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, thưa bà?

Nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây Nam sông Hậu, Hậu Giang có thể nối các tuyến du lịch liên hoàn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và xa hơn là nối với các tuyến du lịch quốc gia. Hơn thế, Hậu Giang nằm giáp với Cần Thơ, cách cảng hàng không quốc tế Cần Thơ không quá xa, rất thuận lợi để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Là vùng đất có sự giao thoa về văn hóa của 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer nên Hậu Giang có sự phong phú về tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Bên cạnh đó, 17 di tích lịch sử, văn hóa (01 cấp đặc biệt, 08 cấp quốc gia, 08 cấp tỉnh) thích hợp phát triển du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng. Ngoài ra, Hậu Giang có nền ẩm thực phong phú, đa dạng từ các sản phẩm nông nghiệp với những món ăn được chế biến từ cá thát lát, củ hủ khóm, các loại rượu từ trái khóm, mãng cầu,...

Những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây mới và nâng cấp, đặc biệt về hạ tầng giao thông, là điều kiện thuận lợi để du lịch Hậu Giang phát triển. Cùng với đó, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn có diện mạo mới, ấp, xã khang trang, sạch đẹp; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển toàn diện; nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đó là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo đà phát triển du lịch.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, du lịch là một trong 4 trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội cùng với hợp phần du lịch thuộc Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023, du lịch Hậu Giang được định vị phát triển với sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch sinh thái, nông nghiệp, tâm linh, cộng đồng, văn hóa. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng thành công 2 điểm nhấn du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 vươn tầm khu vực và cả nước: Du lịch trên tàu tuyến kênh Xà No đi làng khóm Cầu Đúc và du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp. Mục tiêu đề ra sẽ đón tổng số lượt du khách vào năm 2025 đạt 700.000 lượt (28.000 khách quốc tế) và tổng thu từ du lịch đạt trên 300 tỷ đồng, đồng thời xây dựng thành công 06 điểm du lịch tại TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp và đến năm 2030 đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia.

Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, du lịch Hậu Giang có những khởi sắc nào?

Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết “4 trụ cột”, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành đã đưa ngành Du lịch từng bước phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phát triển du lịch được tăng cường, từ đó nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã được nâng lên.

Tiếp đó là sự khởi sắc, phục hồi hoạt động du lịch đã thể hiện thông qua số lượt khách đến tỉnh và tổng thu từ khách du lịch 02 năm gần đây đều tăng. Cụ thể, năm 2022, số lượt khách đạt: 390.000 lượt (khách quốc tế 11.000 lượt), doanh thu đạt 178 tỷ đồng; năm 2023, số lượt khách đạt: 519.000 lượt (khách quốc tế 25.320 lượt), doanh thu đạt 236 tỷ đồng.

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cơ bản đảm bảo phục vụ khách với 113 cơ sở lưu trú; 02 điểm ăn uống, 01 điểm mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; 01 tàu nhà hàng; có trên 30 điểm tham quan du lịch, điển hình như: Homestay Mương Đình (Điểm du lịch được công nhận); Di tích Chiến thắng Chương Thiện; Vườn tre Tư Sang; Khu du lịch sinh thái Mùa Xuân; Trại sữa dê Ngọc Đào; Bảo Gia Farm Camping; Công viên giải trí Kittyd And Minnied; Khu sinh thái Ngã Bảy Sông Garden; các vườn trái cây tại TP.Ngã Bảy,...

Tỉnh cũng liên tiếp tổ chức thành công các sự kiện như: Giải Marathon quốc tế Vietcombank Mekong Delta Hậu Giang; Hội thi bánh dân gian; Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023, Tuần lễ NASA, Festival Áo bà ba, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023,... Đặc biệt, “Các món ăn từ khóm Cầu Đúc” và "Các món ăn từ cá thát lát” của tỉnh Hậu Giang đã vinh dự nhận bằng Kỷ lục châu Á do Tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng. Những sự kiện trên đã góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và con người Hậu Giang.

Để tiếp tục khai thác sản phẩm tàu du lịch trên kênh xáng Xà No, một sản phẩm đặc trưng, Sở VHTTDL đưa vào vận hành khai thác tàu du lịch Xà No vào ngày 07/12/2023. Cùng với việc xây dựng sản phẩm, Sở đã phối hợp với TP.Cần Thơ khảo sát và kết nối các điểm du lịch giữa 02 tỉnh (Hậu Giang - Cần Thơ), lấy du lịch đường thủy nội địa - tàu du lịch nhà hàng làm trọng tâm, kết nối các điểm du lịch dọc tuyến kênh.

Bà đánh giá thế nào về quá trình hợp tác, đồng hành giữa ngành VHTTDL với doanh nghiệp hai thập niên qua?

Hai thập niên qua, ngành VHTTDL luôn nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tham gia cung cấp dịch vụ du lịch. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch từng bước được hoàn thiện, nhiều cơ sở dịch vụ được đầu tư xây dựng mới, nhiều dự án hoàn thành, nhiều điểm tham quan mới được đưa vào khai thác, góp phần tạo nên diện mạo du lịch Hậu Giang tươi mới hôm nay.

Với phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2024. Theo đó, ngành VHTTDL tỉnh thường xuyên phối hợp các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận chính sách; phối hợp các sở, ngành có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong thực hiện các dự án du lịch, các dự án nhà hàng, khách sạn,... cũng như thường xuyên hỗ trợ tư vấn về thủ tục đầu tư, các điều kiện có liên quan đến kinh doanh du lịch.

Du lịch không thể phát triển khi không có sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân làm du lịch nên thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch hiệu quả hơn; phối hợp với ngành, địa phương liên quan thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại tỉnh Hậu Giang.    

Trân trọng cảm ơn bà!

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)