Khẳng định thương hiệu du lịch Hà Nội trên bản đồ du lịch quốc tế

14:38:15 | 25/3/2024

Năm 2023, mặc dù bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành Du lịch Thủ đô đã chứng kiến nhiều sự bứt phá mạnh mẽ. Tất cả các chỉ tiêu phát tiển đều tăng trưởng so với năm 2022. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Vietnam Business Forum đã có phỏng vấn với bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hà Nội.

Bà có thể cho biết cụ thể hơn về tình hình hoạt động, một số kết quả đạt được, điểm nhấn nổi bật trong năm 2023 của ngành Du lịch Thủ đô?

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự cố gắng nỗ lực, của các đơn vị kinh doanh dịch vụ và sự chung tay vào cuộc của cộng đồng dân cư cũng như sự đổi mới trong tư duy, cách làm của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Du lịch Thủ đô đã có nhiều kết quả ấn tượng và bứt phá mạnh mẽ.

Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022 (tương đương 83% kết quả năm 2019). Trong đó gồm: Trên 4 triệu lượt khách quốc tế (2,82 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 138,1% so với năm 2022 (tương đương 57% kết quả năm 2019) và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16% so với năm 2022 (tương đương 91% kết quả năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tương đương 84,4% kết quả năm 2019).

Bên cạnh đó, thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội không ngừng được củng cố và nâng cao uy tín, hình ảnh trên bản đồ du lịch quốc tế. Hà Nội lần thứ hai liên tiếp vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày” và chuỗi giải thưởng năm 2023 như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á; Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á; Thành phố ẩm thực mới nổi và mới đây là giải thưởng “Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023” - danh hiệu được trao tại giải thưởng World Golf Awards 2023.


Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (tại làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm) với kiến trúc độc đáo đang là địa điểm thu hút du khách

Bà đánh giá thế nào về thực trạng phát triển ngành Du lịch Hà Nội, những thế mạnh và điểm còn hạn chế?

Hiện nay, công tác phát triển sản phẩm rất được các điểm đến, doanh nghiệp lữ hành quan tâm đẩy mạnh. Nhiều nhóm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đặc sắc, có thương hiệu được xây dựng và được du khách chào đón như: Nhóm sản phẩm du lịch đêm ở khu di tích Hỏa Lò, Văn Miếu, Hoàng Thành Thăng Long; nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng ở Ba Vì,… Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được chính quyền các cấp ưu tiên dành nguồn lực đầu tư lớn.

Ngoài ra, Hà Nội có nguồn nhân lực du lịch phát triển dồi dào, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn tốt, có khả năng tiếp cận các thành tựu về chuyển đổi số trong du lịch.

Tuy nhiên, ngành vẫn còn tồn đọng một số hạn chế như: Cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, chất lượng chưa đồng đều; đặc biệt thiếu các cơ sở lưu trú chất lượng cao (hạng 4 - 5 sao) chưa đáp ứng phục vụ các sự kiện quốc tế lớn và nhóm đối tượng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao; còn thiếu các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cuối tuần, công viên chuyên đề mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Một số cơ sở dịch vụ du lịch chưa hoạt động trở lại sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực trong kinh doanh dịch vụ lưu trú.

 Ngành Du lịch Thủ đô đang triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.


Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam

Đó là những giải pháp nào, thưa bà?

Thứ nhất, thực hiện cơ cấu lại ngành Du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao. Đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa song song với việc phát triển du lịch quốc tế, quan tâm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và các loại hình du lịch có thế mạnh như: Du lịch MICE, sinh thái, nghỉ dưỡng,...

Thứ hai, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch; khuyến khích mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, quản lý điểm đến. Phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng các cơ chế, chính sách mới về quản lý hoạt động du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đối với các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

Thứ ba, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, trọng tâm là chuyển đổi số. Xây dựng vững chắc vai trò Thủ đô là trung tâm du lịch cả nước, hạt nhân, động lực thúc đẩy liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum