Ngành Công Thương: Vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế Thủ đô

14:14:50 | 27/3/2024

Tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động; tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn,... là những hoạt động ngành Công Thương Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai. Thông qua đó, từng bước khẳng định vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội Thủ đô.


Sở Công Thương Hà Nội phát động Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn Thành phố

Đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế

Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý Nhà nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc  Sở cho biết: Năm 2023, triển khai Kế hoạch của Thành phố và của ngành Công Thương diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường. Tuy nhiên, nhờ tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời quyết liệt các nhiệm vụ được giao,… hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô đã đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Song song với đó, hoạt động thương mại cũng phát triển mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng thương mại được chú trọng đầu tư. Thành phố đã thu hút được các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng thương mại có quy mô lớn. Hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics phát triển nhanh,… khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp, thương mại lớn, có tính cạnh tranh cao của cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 776,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 54,4 tỷ USD. Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hầu hết các thị trường xuất nhập khẩu lớn song hạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thành phố vẫn có mức tăng trưởng cao. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp Hà Nội năm 2023 tăng 4,57%, đóng góp 0,64% vào mức tăng 6,27% của GRDP.

Năm 2024, ngành Công Thương đặt mục tiêu: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng khoảng 7-7,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4 - 5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 10 - 11%,... Riêng tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Thành phố đã ước tính đạt 1.423 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 18,3%; hàng dệt may tăng 10,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 36,7%; xăng dầu tăng 31,8%; hàng nông sản tăng 97,1%. Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 42,4%,… Đây là tiền đề quan trọng để ngành phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Là đô thị đặc biệt, Thủ đô - trung tâm hành chính, chính trị; Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khẳng định vai trò “đầu tàu” của cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2024 do Sở Công Thương TP.Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Từ nay đến năm 2035 - 2040, Thủ đô phải bứt tốc đi đầu trong sản xuất công nghiệp, song hành với đó là thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.

Trong đó, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các làng nghề, thúc đẩy hoàn thành khu nghiệp công nghệ cao. Hiện Hà Nội đang có 10 khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy, và định hình thu hút đầu tư 15 khu công nghiệp, để nâng tổng số lên 25 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hà Nội sẽ tập trung làm theo trục hướng tâm và đường vành đai tạo mặt bằng thu hút đầu tư.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội cho biết: Thời gian tới, ngoài thực hiện tốt các giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động ngành, Sở Công Thương sẽ tích cực tham mưu, thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; khai thác các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA), quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP,...

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Sở  tập trung chỉnh trang hạ tầng các cụm công nghiệp; khởi công các cụm công nghiệp theo kế hoạch,... Tập trung đưa ra các giải pháp đảm bảo đầy đủ cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Đối với lĩnh vực thương mại, thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, mạng lưới chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối trên địa bàn Thành phố; tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kế hoạch phát triển logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các loại hình thương mại đảm bảo phù hợp với quy hoạch, chú trọng công tác đầu tư, sửa chữa cải tạo các chợ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp phân phối phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại; tập trung phát triển thương mại văn minh, hiện đại; phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Song song với đó, triển khai hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số. Đảm bảo tốt an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công thương trên địa bàn, nhất là trong các chợ. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Ngoài ra, để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất phương án đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, tiếp cận điện năng,… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nói riêng và thu hút đầu tư nói chung.

Thu Hà (Vietnam Business Forum)