14:14:31 | 15/4/2024
Nằm trên dải đất biên cương phía Bắc, Lạng Sơn luôn có một vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội (KT - XH), an ninh - quốc phòng (AN - QP) và đối ngoại của cả nước. Trong những năm qua, công tác đối ngoại của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Trịnh Tuyết Mai - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn.
Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về công tác đối ngoại
Bà có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại của tỉnh Lạng Sơn năm 2023?
Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, tạo thêm động lực và thu hút nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Các cấp, các ngành của tỉnh thường xuyên duy trì, thúc đẩy quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác với các địa phương, cơ quan, tổ chức nước ngoài thông qua nhiều hoạt động đối ngoại. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên gửi thư chúc mừng, thăm hỏi nhân các dịp lễ, tết, kỷ niệm quan trọng đến lãnh đạo các địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác với tỉnh, Đại sứ các nước đối tác, Trưởng các cơ quan hợp tác quốc tế tại Việt Nam. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tham gia các Đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước thăm Trung Quốc, tham dự các sự kiện hợp tác đa phương.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh thúc đẩy, phát huy hiệu quả quan hệ giao lưu hữu nghị, các chương trình, cơ chế hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao với Quảng Tây; tạo điều kiện cho các sở, ban, ngành, các huyện biên giới tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác, duy trì thường xuyên cơ chế gặp gỡ, hội đàm với các cơ quan tương ứng của Quảng Tây. Thông qua đó, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại biên giới, giao thông vận tải, y tế, giáo dục - đào tạo, quản lý biên giới, phòng, chống tội phạm qua biên giới,...
Tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhằm tiếp tục duy trì, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác quan trọng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, các nước châu Âu và các nước ASEAN,...).
Tỉnh tăng cường tham gia các sự kiện của Bộ Ngoại giao và các địa phương, đối tác, tổ chức để tiếp xúc, gặp mặt, trưng bày quảng bá tại các sự kiện nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu hợp tác của tỉnh đến bạn bè quốc tế, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, huy động được các nguồn lực bên ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Năm 2023, Tỉnh ủy đã ký 03 thỏa thuận hợp tác với Khu ủy Quảng Tây, Trung Quốc. UBND tỉnh và HĐND tỉnh đã ký 03 thoả thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài, cho phép các cơ quan của tỉnh ký kết 10 thỏa thuận quốc tế. Các thỏa thuận hợp tác được ký kết đều được thực hiện đúng quy trình, đến nay cơ bản đều đạt được kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế giai đoạn 2020 - 2025, hoạt động đối ngoại của Lạng Sơn được triển khai theo định hướng nào?
Trong năm 2024, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược, ba chương trình kinh tế trọng tâm: Phát triển nhanh Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Tỉnh tiếp tục xác định nhiệm vụ tăng cường, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, ba chương trình kinh tế trọng tâm nêu trên. Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, giao lưu, hợp tác với các đối tác của tỉnh; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chủ động hội nhập, tranh thủ tốt nhất các điều kiện trong nước và quốc tế thuận lợi để đưa Lạng Sơn phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia; nâng cao vị thế và quảng bá hình ảnh của tỉnh Lạng Sơn ra thế giới.
Một số nhiệm vụ trọng tâm ngành ngoại vụ đặt ra năm 2024 góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng tầm vị thế Lạng Sơn?
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đặc biệt chú trọng, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tích cực, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện trên cả ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm chủ động, tích cực hội nhập, tranh thủ tốt nhất các điều kiện quốc tế thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh biên giới với 231,74km đường biên giới, là cửa ngõ kết nối Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc. Thực hiện chủ trương trên, Sở Ngoại vụ Lạng Sơn đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, tăng cường kết nối, đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Duy trì, phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị hiệu quả, thực chất với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và một số địa phương khác của Trung Quốc; các đối tác chiến lược trong khu vực và trên thế giới; thúc đẩy thiết lập và duy trì quan hệ cấp địa phương với các địa phương nước ngoài, các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tăng cường kết nối, đàm phán ký kết các thỏa thuận quốc tế, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác quốc tế đã được ký kết.
Hai là, chú trọng kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, tham gia tổ chức các chương trình lớn về xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư trên địa bàn. Đổi mới phương thức xúc tiến vận động, thu hút vốn FDI, ODA, NGO vào tỉnh; xúc tiến thu hút các nguồn lực đầu tư vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch trọng điểm của tỉnh; tích cực tìm kiếm đối tác, thị trường cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như hồi, quế, chè, thạch đen, ớt, na, thông, keo,... Tăng cường các hoạt động đối ngoại thúc đẩy thương mại biên giới, tiện lợi hóa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp, du lịch bền vững, quy hoạch, đô thị thông minh; chuyển đổi số, hội nhập kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển xanh, bảo vệ đa dạng sinh học, hướng tới kết nối mạnh mẽ hơn với các chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Ba là, tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại biên giới nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bốn là, xây dựng đội ngũ: Tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương trực tiếp làm công tác đối ngoại, quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia. Chủ động, tích cực kết nối với các cục, vụ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và các đối tác nước ngoài của tỉnh tổ chức và vận động tài trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trân trọng cảm ơn bà!
Duy Bình (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI