Hợp tác giám sát thị trường Việt Nam - Lào

10:04:26 | 24/5/2024

Mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Công Thương Lào do Thứ trưởng Bountheung Douangsavanh làm Trưởng đoàn. Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa các nội dung trong biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực Quản lý thị trường mà Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã ký kết vào tháng 4/2024 tại Viêng-chăn, Lào.


Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi tiếp và làm việc, về phía Việt Nam có lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Quản lý‎ thị trường, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cùng đại diện một số đại diện các đơn vị chức năng liên quan. Về phía Đoàn công tác Lào có đại diện các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương Lào.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân chào mừng Đoàn công tác của Bộ Công Thương Lào đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Điểm lại kết quả chuyến thăm và làm việc tại Lào của Đoàn Bộ Công Thương Việt Nam trong tháng 4/2024, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, từ ngày 5-8/4/2024, Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức Đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Đoàn. Trong dịp này hai Bên đã trao đổi và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là hoạt động ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương Việt Nam) và Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra thương mại (Bộ Công Thương Lào), do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Bộ Công Thương Việt Nam rất hoan nghênh phía Lào đã tổ chức Đoàn công tác sang làm việc tại Việt Nam nhằm cụ thể hóa các nội dung theo Biên bản Ghi nhớ.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc gặp gỡ

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Lào. Năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 1,63 tỷ USD. 4 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 620,6 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng chính xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào là xăng dầu, phương tiện vận tải và phụ tùng,sản phẩm từ sắt thép... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Lào mặt hàng cao su, than đá, gỗ và sản phẩm gỗ...

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện nay hai nước đang tích cực thúc đẩy hợp tác và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực năng lượng như: hợp tác mua bán điện, hợp tác mua bán than... Về hợp tác đầu tư, tính đến nay doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 245 dự ánm trong đó có nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa...

Riêng trong lĩnh vực Quản lý thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hai Bộ đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này, đây là cơ sở, là nền tảng để cơ quan chức năng của hai nước phối hợp trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong kinh doanh, thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của mỗi nước.


Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh tham dự buổi tiếp

Nhằm cụ thể hóa biên bản ghi nhớ hợp tác, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương Việt Nam) tích cực phối hợp với Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra thương mại (Bộ Công Thương Lào) để triển khai nội dung của Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác trong công tác quản lý nhà nước và phòng, chống vi phạm pháp luật trong kinh doanh, thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hai Bên tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác để học tập, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp trong công tác quản lý thị trường.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào Bountheung Douangsavanh

Nhất trí với các đề xuất của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào Bountheung Douangsavanh đánh giá cao tầm quan trọng của nội dung Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai đơn vị, nhất là trong bối cảnh hội nhập và thương mại điện tử phát triển mạnh như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào mong muốn, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng với Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra thương mại Lào; trong đó có các phương pháp quản lý trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; chia sẻ cơ cấu, mô hình tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường Việt Nam; chia sẻ về giải pháp chống kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường truyền thống và thương mại điện tử...


Ông  Phu-Viêng Phông-Sả - Vụ trưởng Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra thương mại Lào

Cùng thông tin tại buổi làm việc, ông  Phu-Viêng Phông-Sả - Vụ trưởng Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra thương mại Lào cho biết, trong chuyến công tác đến Việt Nam lần này, Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra thương mại Lào mong muốn được tìm hiểu thực tế hoạt động tại Cục Quản lý thị trường ở các địa phương; học hỏi công tác phối hợp với các ngành liên quan trong lĩnh vực Quản lý thị trường; học hỏi việc quản lý đối với mặt hàng xăng dầu; quản lý chất lượng hàng hóa trên thương mại điện; chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ người tiêu dùng...

Từ ngày 5-8/4/2024, Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Lào. Trong chuyến công tác, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương Việt Nam) đã ký Biên bản ghi nhớ với Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra Thương mại (Bộ Công Thương Lào) nhằm phối hợp trong phòng, chống vi phạm pháp luật trong kinh doanh, thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Quản lý thị trường giữa hai nước. Đây là một trong 3 biên bản được ký kết thành công trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn công tác Bộ Công Thương Việt Nam tại Viêng-chăn, Lào.

Trước đó, từ 7/10-10/12/2023, Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý Thị trường đã có chương trình làm việc trực tiếp với 9 đơn vị thuộc Bộ Công Thương Lào và kết nối trực tuyến với 17 Sở Công Thương Lào để trao đổi về hợp tác chống buôn lậu, hàng hóa, gian lận thương mại hàng giả qua cửa khẩu biên giới hai nước, đồng thời hai bên cũng trao đổi về các cơ chế chính sách xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý Thị trường đã có buổi làm việc trực tiếp với Vụ Cạnh tranh kinh doanh và Kiểm tra Thương mại Lào để cùng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong lĩnh vực Quản lý thị trường; chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả...

Nguồn: Tổng Cục Quản lý thị trường