10:33:49 | 2/7/2024
Nam Giang đang tận dụng mọi nguồn lực để đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế; xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến là địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của tỉnh Quảng Nam.
Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang |
Phát huy nội lực
Là huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Giang được biết đến là địa phương có vị trí thuận lợi cũng như nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), đặc biệt là về nông - lâm nghiệp; trong đó kinh tế vườn, rừng, trang trại phát triển các thế mạnh về cây dược liệu (đẳng sâm, ba kích), cây cam bản địa, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm,... Ngoài ra, nơi đây còn có trữ lượng đá vôi (ở Thạnh Mỹ) khá lớn; nhiều sông suối, có tiềm năng lớn về thủy điện cùng các điểm tham quan hấp dẫn, thú vị, nhiều lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Nam Giang còn là nơi hội tụ của các dân tộc anh em: Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, Kinh, Tày, Nùng với những giá trị văn hóa truyền thống đầy màu sắc.
Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện đã tận dụng nguồn lực của địa phương cùng các chính sách hỗ trợ để giảm nghèo bền vững. Huyện tập trung chỉ đạo, lồng ghép các nguồn vốn được hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư hỗ trợ nhân dân thực hiện phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp”.
Cụ thể, huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo. Huyện đang đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển sản xuất thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, có doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Có thể kể đến các mô hình, dự án: Chăn nuôi, trồng trọt, khuyến khích người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện; thành lập hợp tác xã nông - lâm nghiệp, tổ hợp tác; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sản phẩm OCOP,...
“Đồng thời, Nam Giang đang đẩy mạnh thực hiện trồng rừng gỗ lớn hướng đến cấp chứng chỉ rừng FSC, dần hình thành nên những vùng trồng tập trung để phát triển. Đây là một trong những thế mạnh để địa phương triển khai đầu tư cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp”, ông A Viết Sơn cho biết thêm.
Đặc biệt, ngoài các nguồn vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, hàng năm ngân sách huyện phân bổ 2,280 tỷ đồng/12 xã, thị trấn thực hiện mua cây giống để cấp phát cho nhân dân trồng rừng gỗ lớn; phân bổ ngân sách cho 03 xã phấn đấu về đích NTM mỗi xã 01 tỷ đồng/năm để xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung có chuồng trại theo nhóm hộ, tổ hợp tác nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần đạt các tiêu chí xây dựng NTM.
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Nam Giang đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận. Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 316,2 tỷ đồng, bằng 100,51% so với kế hoạch và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả các tiêu chí NTM đạt 161/209 tiêu chí (trung bình: 14,63 tiêu chí/xã); thôn NTM mới kiểu mẫu đạt 42/60 tiêu chí/06 thôn/06 xã (trung bình: 7 tiêu chí/thôn). Tính bình quân chung trong 3 năm (2021 - 2023), tỷ lệ giảm nghèo của huyện Nam Giang giảm 6,49%/năm; đạt mục tiêu Chương trình 24-CTr/HU mà Huyện ủy đề ra.
Đường vào trung tâm hành chính huyện Nam Giang tại thị trấn Thạnh Mỹ được đầu tư khang trang
Khơi thông điểm nghẽn, thu hút đầu tư
Mặc dù là huyện miền núi, có xuất phát điểm thấp nhưng những năm qua, Nam Giang đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nhằm kéo gần lại sự phát triển của miền ngược và miền xuôi.
Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện tương đối thông suốt, đảm bảo kết nối giao thông liên huyện, liên vùng, kết nối khu vực Tây Nguyên với Quảng Nam - Đà Nẵng. Đi qua địa bàn huyện gồm 04 tuyến quốc lộ có tổng chiều dài hơn 140km; 07 tuyến đường huyện tổng chiều dài 140km và 340,4km đường xã, đường dân sinh đã được cứng hóa.
Thời gian tới, Nam Giang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH, ưu tiên các hạ tầng giao thông chiến lược như: Giao thông liên vùng Đông - Tây, nối cửa khẩu quốc tế Đắc Ốc với cảng biển Chu Lai (Núi Thành), Tiên Sa (Đà Nẵng), hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị Thạnh Mỹ, hạ tầng trọng yếu của nông thôn miền núi, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục,… Cùng với đó, mở rộng đô thị trung tâm huyện, gắn với hình thành chuỗi phát triển về phía Tây của huyện; đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV cho đô thị Thạnh Mỹ trở thành đô thị trung tâm vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa, kết nối với khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang trong tương lai.
Đồng thời, kiến nghị Trung ương có các biện pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công để mở rộng các tuyến đường huyện, giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường kết nối Đông - Tây, quốc lộ 14B, quốc lộ 14D,… Khi những điểm nghẽn này được khơi thông sẽ tạo tiền đề và động lực mạnh mẽ để địa phương tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thu hút đầu tư nói riêng.
Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT - XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nam Giang phấn đấu: Đến năm 2030, trở thành huyện phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; phát triển các ngành nông, lâm nghiệp chế biến có giá trị kinh tế; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ; hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh.
Huyện Nam Giang khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ rừng
Để hoàn thành mục tiêu này, huyện tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện; đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, các dự án có sức lan tỏa và đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững. Ưu tiên các ngành kinh tế bền vững như du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi tự nhiên và sử dụng nguồn lực tự nhiên một cách bền vững. Đầu tư vào công nghệ xanh và sản xuất sạch để giảm tác động đến môi trường, tạo ra các cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân dựa vào các mô hình kinh tế xanh và cộng đồng.
Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo các ngành tăng cường công tác, phối hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án triển khai đúng theo tiến độ. Xem xét thống nhất nhất chủ trương cho các doanh nghiệp khảo sát lập dự án đầu tư đối với các dự án: Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương Chu Lai đầu tư dự án xây dựng Nhà máy chế biến gỗ; Công ty Địa ốc và dịch vụ Thành Ngọc đầu tư dự án trồng cây mắc ca và chuối; Hợp tác xã nông nghiệp Tây Quảng Nam đầu tư Dự án Trang trại trồng cây ăn quả công nghệ cao,…
Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. (Năm 2023 huyện Nam Giang xếp thứ 7/18 huyện, thị, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính cấp huyện, tăng 11 bậc so với năm 2022, nhiều chỉ số cải thiện tốt). Song song với đó, ban hành các quy định quản lý, hướng dẫn về thủ tục đầu tư, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ đẩy nhanh thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các dự án chậm tiến độ. Huyện cũng chú trọng quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn; thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, thẩm định giá đất, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; quản lý chặt chẽ, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ phát triển KT - XH theo hướng bền vững.
“Với truyền thống đoàn kết, sự quyết tâm, năng động sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và đồng thuận của nhân dân, tin tưởng rằng, huyện sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương Nam Giang ngày càng phát triển”, Chủ tịch UBND huyện A Viết Sơn khẳng định.
Thanh Loan (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.