Đưa Nam Trà My thành thủ phủ dược liệu

11:03:03 | 2/7/2024

Với thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho nhiều loại dược liệu phát triển như: Quế, Đẳng sâm, Chè dây, Đương quy, Giảo cổ lam,… nhất là sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, được xác định là “sản phẩm quốc gia”, huyện Nam Trà My đang đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư phát triển vùng trồng và đạt nhiều kết quả đáng kể. Với sự “tiếp sức” từ nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh; sự vào cuộc có trách nhiệm từ doanh nghiệp và người dân, tất cả cùng nỗ lực hiện thực hóa khát vọng đưa Nam Trà My thành “thủ phủ” dược liệu của cả nước.


Năm 2023, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 được tổ chức cùng kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My

Đi lên từ tiềm năng dược liệu

Vùng Trà My xưa vốn nổi tiếng với loại quế thơm ngon dùng để “tiến Vua”. Nhưng danh xưng “cao sơn, ngọc quế” còn hàm ý nhiều thức lâm đặc sản, dược liệu quý. Từ cây “thuốc dấu” của đồng bào thiểu số, bằng sự nỗ lực của những người con trăn trở với quê hương, sâm Ngọc Linh đã trở thành “sản phẩm quốc gia” và tương lai “làm giàu”.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nam Trà My có tài nguyên rừng lớn, diện tích rừng tự nhiên đưa vào quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện: 41.486, 89 ha, độ che phủ 59,36%. Ở nơi có độ cao trên 1.500m, tầng đất mặt có độ mùn cao, tơi xốp, ít bị bào mòn, thuận lợi cho cây trồng phát triển và hiện có nhiều loại dược liệu quý sinh sống. Để làm bật dậy tiềm năng này, huyện đã quy hoạch phát triển nhiều vùng dược liệu gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng.

Trước hết, với cây quế, huyện đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia cùng nguồn ngân sách tỉnh, huyện để duy trì, mở rộng giống quế Trà My bản địa. Bởi thế, diện tích Quế đã nhanh chóng mở rộng từ 2.864ha lên gần 10.000ha; tạo điều kiện để thu hút các cơ sở chế biến trong thời gian tới.


Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My khảo sát vùng trồng sâm Ngọc Linh, tham quan gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh

Nhiều diện tích dược liệu như Sâm nam, Giảo cổ lam, Đương quy, Lan kim tuyến, Chè dây,... cũng được quy hoạch phát triển. Toàn huyện hiện có hơn 2.000 hộ trồng với diện tích duy trì 60-70ha/năm và quy mô, diện tích có xu hướng tăng.

Huyện đã quy hoạch vùng sâm Ngọc Linh quy mô 15.000ha tại 7 xã và ban hành nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy phát triển. Nhờ đó, diện tích, số hộ trồng tăng nhanh: Năm 2014 chỉ có 110 hộ với 65ha, đến năm 2024 có 93 chốt trồng với hơn 1.500 hộ và 1.650ha; trong đó, diện tích cho thuê môi trường rừng được phê duyệt phương án, kế hoạch sử dụng đạt 806ha; gồm 40 hộ, 532 nhóm hộ với 464ha và 18 tổ chức, doanh nghiệp với 341ha.

Các vùng trồng cũng ngày càng được đầu tư quy mô, bài bản; áp dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới, nhất là các mô hình có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Điển hình là HTX nông nghiệp Đông Trà, HTX nông nghiệp Quế Trà My đang triển khai nhiều dự án liên kết phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; áp dụng kỹ thuật, phương thức mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo tồn, phát triển cây dược liệu, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Sự phát triển năng động cây Sâm Ngọc Linh có vai trò lớn của 02 trại sâm giống gốc tại xã Trà Linh, gồm Trại sâm giống Tắk Ngo do huyện quản lý (quy mô 83,1ha) và trại sâm tỉnh tại Măng Lùng do Trung tâm phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu tỉnh Quảng Nam quản lý (quy mô 50,25ha). Ngoài việc bảo tồn nguồn gen chuẩn, hai đơn vị cung ứng khoảng 200 nghìn cây/năm, cùng với lượng giống người dân, doanh nghiệp sản xuất (từ 500 - 1.000 nghìn cây/năm) đã đáp ứng được nhu cầu phát triển vùng trồng sâm.

Đến nay, cây dược liệu và Sâm Ngọc Linh đã thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế huyện, làm thay đổi cuộc sống của người dân. Nhờ việc trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác mà nhiều hộ dân của huyện Nam Trà My, đặc biệt là tại xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện nay, nhiều hộ đã xây được nhà tầng, trang bị đầy đủ phương tiện, đồ dùng gia đình, mua sắm được ô tô; mua đất, xây nhà ở đô thị, tạo điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Nhưng quá trình phát triển đang đối mặt khó khăn do chưa có quy hoạch chi tiết vùng trồng, không phân rõ vùng trồng của người dân, doanh nghiệp nên khó xác định địa điểm cho dự án đầu tư mới. Bên cạnh đó là hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông… vừa thiếu, yếu; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh,… đang tác động tiêu cực cần có giải pháp căn cơ khắc phục.


Huyện Nam Trà My khai trương sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản tại: phienchosam.quangnam.gov.vn, phienchosam.vn và phienchosam.com.vn, ngày 1/4/2024

Tiếp sức để hiện thực hóa khát vọng

Thời gian gần đây, cây Sâm Ngọc Linh nhận được rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; từ trở thành sản phẩm Quốc gia, đến một Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045… đã được ban hành. Hiện Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực đang được tích cực triển khai để sớm được phê duyệt mở ra triển vọng phát triển to lớn. Từ nhiều năm trước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất chủ trương cho phép tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ I năm 2017; từ đó, huyện đã duy trì các phiên chợ hằng tháng và lễ hội sâm núi Ngọc Linh hằng năm. Đây là cơ sở pháp lý và động lực khuyến khích người dân phát triển các loại dược liệu, nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Với Quảng Nam, sâm Ngọc Linh được cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng tâm huyết, trách nhiệm lớn nhất. Hàng loạt cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch được tỉnh ban hành đã đem lại cho sâm Ngọc Linh nguồn lực cần thiết để phát triển. Với Nam Trà My, sâm Ngọc Linh được quan tâm bằng nhiều hành động thiết thực, cụ thể. Huyện đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương quyết sách; trong đó, thực hiện quyết định của Chính phủ và tỉnh, huyện đã xây dựng Kế triển khai thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030: Bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng…; phấn đấu diện tích trồng đạt 8.400ha vào năm 2030, 100% diện tích được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; sản lượng khai thác từ năm 2030 đạt 75 tấn/năm (250ha/năm),… Huyện định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh xuất khẩu sâm lớn.


Các gian hàng trưng bày tại phiên chợ sâm Ngọc Linh

Bừng sáng

Huyện Nam Trà My nằm cách trung tâm tỉnh lỵ 100km về phía Tây, có lợi thế lớn trong kết nối khi hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, nối gần hơn với các huyện trong tỉnh và các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum.

Huyện có diện tích tự nhiên 826,38km2 với 90% bao phủ bởi các dãy núi hùng vĩ; mật độ sông ngòi, thác ghềnh dày đặc với thác nước, hang động kỳ bí như: Thác Năm Tầng; suối Đôi, suối Nước Mưa, thác Tak Chẩy, thác Noong Lau, suối nước nóng, thác Lai Xát, Điểm săn mây Tak Pổ, Hang dơi, vườn quế cổ thụ, rừng tre khổng lồ, sông Tranh thơ mộng,... Rừng nguyên sinh cũng đa dạng, phong phú hệ động thực vật của Khu dự trữ Nước Là, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh,… tạo tiềm năng lớn cho các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm phát triển.

Trên địa bàn có 06 dân tộc anh em cùng sinh sống (03 dân tộc chính Cadong, Xê đăng, Mnông). Đồng bào vẫn sản xuất lúa nước theo ruộng bậc thang; làm nhà sàn, nhà dài, kho lúa tập trung và có nhiều nghề thủ công như dệt dồ, dệt thổ cẩm, đan lát, nghề rèn,… Nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ cúng Tết mùa, Lễ ăn Trâu huê, Lễ hội ăn mừng lúa mới, Lễ cầu mưa, Tết máng nước…; các điệu múa cồng chiêng, hát cheo, hát ting ting, đàn đá,… vẫn được gìn giữ, lưu truyền. Cùng với đó là Khu di tích lịch sử Nước Là - căn cứ địa đầu tiên của Liên Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V đã được Bộ Văn hóa,  Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia sẽ tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đa dạng.

Khi các vùng sâm phát triển, du lịch Sâm Ngọc Linh sẽ hình thành, gắn kết các loại hình khác mang lại trải nghiệm mới. Hiện nhiều tuyến đường đã, đang được đầu tư nối Nam Trà My với TP.Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Lạt (Lâm Đồng), các tỉnh Tây Nguyên,… tạo sự liên kết để trong tương lai Nam Trà My sẽ gần hơn, bừng sáng cùng các trung tâm du lịch lớn.

Trần Trang (Vietnam Business Forum)