11:12:26 | 2/7/2024
Nằm ở trung tâm ba huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, Đông Giang có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là nông - lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp khơi thông nguồn lực, đánh thức tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Ông Avô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đông Giang xác định tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp cho bà con nhân dân theo liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tạo ra các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Từ đó, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030.
Theo thống kê, tổng diện tích tự nhiên huyện là hơn 82.185ha; trong đó đất lâm nghiệp có rừng chiếm hơn 69.960ha. Việc lựa chọn phát triển kinh tế dựa vào rừng là hướng đi hợp lý vừa bảo vệ rừng, phát huy giá trị đa dạng sinh học vừa cải thiện sinh kế cho người dân.
Thời gian qua, bên cạnh chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý bảo vệ và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, huyện khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây keo hiện có sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như cây quế, dổi,…
“Theo đó, mỗi năm Đông Giang phấn đấu trồng 800ha rừng gỗ lớn. Riêng năm 2023, với nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, toàn huyện đã chuyển đổi được 811ha trồng keo sang trồng quế. Dự kiến năm 2024, huyện phấn đấu trồng thêm 800ha. Điều đáng mừng là địa phương đã mời gọi được doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết trồng quế; không chỉ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm mà còn hướng đến chế biến sâu thành sản phẩm OCOP”, ông Avô Tô Phương chia sẻ.
Ngoài cây quế, huyện định hướng cho bà con nhân dân trồng các loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao như cây dổi, gáo vàng, sao đen để phát triển rừng gỗ lớn đồng thời giải quyết bài toán về gỗ làm nhà cho nhân dân địa phương. Đồng thời, tập trung bảo tồn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng theo Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 của HĐND. Địa phương hỗ trợ trồng cây chè dây tại xã Ba, xã Tư; cây sâm bảy lá một hoa tại thị trấn Prao, các xã A Rooi và Tà Lu; cây ba kích tím tại các xã, thị trấn; cây thổ phục linh tại xã Tư. Các dự án liên kết chuỗi giá trị trồng cây dược liệu ba kích tím, trồng cây quế đang diễn ra thuận lợi, hứa hẹn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân, vừa bảo vệ môi trường rừng.
Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (xã Mà Cooih) là điểm đến tham quan du lịch hút khách của miền Trung - Tây Nguyên
Về sản xuất nông - lâm nghiệp, huyện đặt mục tiêu phát triển bền vững theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu có quy mô gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, huyện đã có quyết định xây dựng 4 vùng nông nghiệp chủ lực: Vùng 1 gồm xã Ba, xã Tư; vùng 2 gồm các xã A Ting, Jơ Ngây, Sông Kôn; vùng 3 gồm các xã Tà Lu, Prao, A Rooi và vùng 4 gồm các xã Mà Cooih, Kà Dăng. Thông qua việc phân vùng, góp phần định hướng phát triển một số loại cây trồng chủ lực mang lại năng suất, hiệu quả cao trong phát triển kinh tế. Đồng thời, huyện triển khai phát triển các mô hình chăn nuôi như: Nuôi hươu lấy nhung, sản xuất chăn nuôi heo, bò,...
Ngoài ra, huyện đang triển khai 10 chuỗi liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mỗi chuỗi sản xuất được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Các chuỗi sản xuất như cây quế, cây chè, cây ăn trái, hươu sao và nuôi heo cỏ địa phương đang thực hiện, kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thay đổi ý thức và tư duy của người dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Kết quả thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), hiện Đông Giang có 16 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của 09 chủ thể, trong đó có 02 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng có thể kể đến như: Ớt A Riêu, chè dây Ra Zéh, trà xanh Quyết Thắng, trà hoa hồng Panan, chè dây hoa hồng, rượu Tà Vạc, các sản phẩm trang trí, thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống,…
Đặc biệt, Đông Giang cũng được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh như thác Tơbhế, thác Adinh, suối Tà Mơi, rừng nguyên sinh Tây Bà Nà, Gợp Teer (Hang Đôi) và nhiều lòng hồ của các thủy điện A Vương, Za Hung, Sông Côn 2,... Cùng với đó là các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc hòa quyện với những lễ hội đặc trưng là cơ hội để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch khám phá.
Những năm gần đây, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thu hút các dự án vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Điển hình như: Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih do Tập đoàn FVG đầu tư đến nay đã hoàn thành và đi vào khai thác. Đây là dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch có quy mô lớn nhất so với 9 huyện miền núi trong thời điểm hiện nay, đã phát huy hiệu quả, tạo đà kích thích cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Đồng thời, để phát huy được lợi thế của địa phương, huyện đang xây dựng Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đông Giang đến 2030, mục tiêu đề ra là phát triển đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp, tạo điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động chăm sóc vật nuôi, trồng cây ăn quả, cắm trại, tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên ban tặng và trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Đông Giang. Bên cạnh đó, tiếp tục mời gọi, xúc tiến đầu tư vào dự án khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng tại xã Sông Kôn. Đây được xem là hướng đi mới phù hợp với miền núi, phát huy lợi thế để tạo động lực cũng như đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.
Mô hình nuôi hươu sao theo chuỗi giá trị ở huyện Đông Giang được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao
Cũng theo ông Avô Tô Phương, từ các nguồn vốn của ba Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện lồng ghép các nguồn vốn để mở rộng, hoàn thiện mạng lưới giao thông liên xã, liên thôn, mở đường đến các vùng sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Đến nay, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã phát triển mang tính bền vững.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và vùng nguyên liệu, dược liệu tập trung, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, liên kết sản xuất bền vững. Vận dụng linh hoạt, lồng ghép nguồn vốn các chương trình để phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách. Ưu tiên trồng rừng gỗ lớn tập trung, từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu. Chú trọng hỗ trợ, tạo mối liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Xúc tiến thu hút doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp.
Bên cạnh đó, trên cơ sở quy hoạch sẵn có, huyện tiếp tục nghiên cứu bảo tồn và mở rộng vùng trồng cây dược liệu như hương nhu, dã quỳ, khúc khắc. Đánh giá lại kết quả trồng đảng sâm, ba kích, sa nhân để có cơ sở phát triển trồng dược liệu khi có doanh nghiệp đầu tư liên kết.
Với chăn nuôi, địa phương hướng đến chăn nuôi trang trại tập trung nhằm kiểm soát dịch bệnh, có điều kiện mở rộng quy mô, quản lý hiệu quả ô nhiễm môi trường. Đồng thời, trên lĩnh vực lâm nghiệp, huyện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã bằng hình thức giao đất, cho thuê đất do xã quản lý, thuê quyền sử dụng đất của người dân. Ký kết hợp đồng liên kết, trong đó doanh nghiệp đầu tư cây giống, kỹ thuật, hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng (FSC), người dân trồng rừng và bán sản phẩm lại cho doanh nghiệp.
Về phát triển nông – lâm nghiệp gắn với du lịch, huyện sẽ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh xây dựng sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc trưng; tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái; tăng cường thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết điểm đến,... Ngoài ra, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch trọng yếu; phát triển mạnh hệ thống cơ sở lưu trú gắn với các dịch vụ theo các tuyến, điểm du lịch, đáp ứng nhu cầu cho khách tham quan, du lịch.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ngoài sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương và người dân Đông Giang, huyện mời gọi, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, đam mê và quyết tâm cao đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp gắn với du lịch, cùng nhau đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương để hợp tác cùng phát triển.
Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.