11:35:50 | 2/7/2024
Trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, Hiệp hội DN tỉnh Quảng Nam đã có nhiều kiến nghị, đề xuất các cấp chính quyền tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đất đai, gia hạn tiến độ,... Ông Trần Quốc Bảo - Uỷ viên Ban Chấp hành VCCI, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh chia sẻ: Thử thách phía trước còn nhiều nhưng tin rằng các DN sẽ vượt qua, sớm phục hồi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và Hiệp hội luôn nỗ lực sát cánh cùng các DN vượt khó.
Một vài nhìn nhận của ông về hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay?
Trong những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 8.500 DN hoạt động; hàng năm có 1.150 DN mới thành lập nhưng cũng có trên 1.000 DN tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể; các DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Nổi bật có thể kể đến khó khăn của DN trong lĩnh vực xây dựng: Từ năm 2020 - 2023, do dịch bệnh giãn cách nên phải “lúc làm, lúc nghỉ” dẫn đến kéo dài tiến độ; khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; việc giảm và giãn thuế chưa được thực hiện; chi phí vận chuyển và giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, như giá sắt thép tăng 20 - 30% dẫn đến chi phí tăng so với dự toán nhưng không được điều chỉnh kịp thời. Hơn thế, giá nhân công theo định mức xây dựng thấp rất nhiều so với thực tế; các mỏ vật liệu đất, đá, cát đều khan hiếm không đáp ứng đủ nguồn cung hoặc muốn đáp ứng tiến độ dự án phải mua giá cao,… khiến “càng làm càng lỗ nặng”.
Các DN bất động sản phải đối mặt với hàng loạt áp lực từ: Lãi vay, tiến độ giải phóng mặt bằng, nợ thuế, nợ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… khiến phải giải thể, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Nhiều dự án nằm “bất động” thời gian dài vì không thể giải phóng mặt bằng do người dân không đồng thuận; điều này chủ yếu bởi đơn giá bồi thường quá thấp khiến người dân không đồng ý phương án được duyệt, không nhận tiền bồi thường. Một số dự án ứng vốn giải phóng mặt bằng nhưng bị ngân sách giữ lại thời gian dài không quyết toán khiến DN thêm thiếu hụt tài chính.
Lĩnh vực du lịch tuy có phục hồi nhưng lại vướng về cơ cấu nợ ngân hàng. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh của các điểm du lịch trong vùng nên việc nâng cấp, đổi mới sản phẩm du lịch, dịch vụ trở nên cấp thiết trong khi nội lực DN còn hạn hẹp.
Có thể nói, chưa bao giờ các DN Quảng Nam khó khăn như hiện nay. Nhưng các DN cũng cần bình tĩnh để tìm ra hướng đi, giải pháp tháo gỡ; rà soát nguồn lực để tái cơ cấu phù hợp; nâng cao năng lực quản lý;… Tin rằng, việc khơi dậy được sức mạnh nội lực cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc trên sẽ sớm được giải quyết.
Thời gian qua, Hiệp hội đã, đang chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng DN ra sao?
Hiệp hội đã thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin từ các hội viên, DN, kịp thời xác định từng loại khó khăn, vướng mắc để phản ánh đến các cấp lãnh đạo tỉnh, kiến nghị với các cơ quan chính quyền tìm giải pháp tháo gỡ. Cụ thể từ tháng 01/2024 đến nay, Hiệp hội đã gửi văn bản tới Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, VCCI, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam,…; tới Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương những đề xuất, kiến nghị về thủ tục pháp lý, tiếp cận nguồn vốn, giải phóng mặt bằng,… Đến nay, nhiều cơ quan như Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh,… đã phản hồi, có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc quan tâm, động viên và từng bước tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Tuy nhiên khó khăn là rất lớn, trên nhiều mặt và ở nhiều lĩnh vực nên việc giải quyết cần có thời gian, lộ trình, có khi chưa đạt mong muốn của một số DN. Trong thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục bám sát hơn tình hình hoạt động của DN, nỗ lực hơn nữa trong vai trò cầu nối giữa chính quyền - DN và sát cánh DN vượt khó.
Năm 2024, Quảng Nam tiếp tục chuyển giao nhiệm vụ đánh giá Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI) cho Hiệp hội chủ trì. Ông nhìn nhận thế nào về trọng trách này? Làm sao để việc khảo sát thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hơn?
Những năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn khuyến khích DN, doanh nhân tham gia ý kiến vào việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, qua đó tạo thuận lợi giúp DN đổi mới, phát triển. Với việc tích cực tham góp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất,… của các hội viên và Thường trực Hiệp hội, Hiệp hội đã ngày càng nhận được sự tín nhiệm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và các cấp chính quyền. Đó cũng là lý do để UBND tỉnh giao Hiệp hội chủ trì triển khai khảo sát Bộ chỉ số DDCI từ năm 2019. Xác định rõ trọng trách nặng nề được giao, Hiệp hội đã tích cực phối hợp triển khai và hoàn thành theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra. DDCI đã trở thành công cụ đánh giá ưu điểm, hạn chế của các sở, ngành, huyện, thị xã và thành phố trong việc thực hiện, xây dựng môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI.
Trong các năm sau đó, Hiệp hội đã tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong triển khai khảo sát DDCI; tích cực tham mưu UBND tỉnh nhiều nội dung liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là nội dung liên quan đến Chỉ số Tiếp cận đất đai. Dù thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ngành đã tạo nhiều thuận lợi trong các hoạt động của DN nhưng nhu cầu về đất đai, mặt bằng lại gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát cho thấy nguyên nhân do chính sách pháp luật về đất đai còn chồng chéo, bất cập nhưng mặt khác là bởi sự hạn chế của cơ quan thực hiện, nhất là năng lực của cán bộ, công chức tiếp nhận xử lý.
Để DDCI mang tính khách quan hơn, thực sự là tiếng nói của DN, từ năm 2024 UBND tỉnh tiếp tục chủ trì triển khai công tác này. Hiện bên cạnh cập nhật nội dung, thay đổi phương thức tiến hành, Hiệp hội sẽ tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh nhằm hoàn thiện bộ chỉ số, hướng đến thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh thực chất hơn và đi vào chiều sâu. Tới đây, trong quá trình khảo sát, Hiệp hội cũng mong muốn các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện cung cấp thông tin; các đơn vị, cá nhân tổ chức khảo sát phải thực hiện có trách nhiệm, công tâm, khách quan để có được kết quả đúng, thực tế.
Việc đẩy mạnh triển khai Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới. Vậy Hiệp hội sẽ phát huy vai trò cầu nối, xúc tiến với nhà đầu tư ra sao?
Nhiều năm qua, Hiệp hội DN tỉnh không chỉ làm cầu nối giữa các hội viên, DN trên địa bàn mà cũng làm tốt vai trò tư vấn cho các DN, nhà đầu tư đến với Quảng Nam. Nhiều nhà đầu tư khi triển khai dự án gặp phải khó khăn, vướng mắc đã liên hệ làm việc với Hiệp hội để nhận được sự tư vấn của các chuyên gia và thành viên, đồng thời Hiệp hội cũng chuyển tải ý kiến, đề xuất của nhà đầu tư tới các cơ quan liên quan nên những vướng mắc cơ bản được tháo gỡ, giải quyết. Khi nhà đầu tư có nhu cầu đề xuất, Hiệp hội còn liên hệ, sắp xếp để làm việc với UBND tỉnh và cơ quan liên quan để đẩy mạnh xúc tiến, đồng hành với nhà đầu tư đến với Quảng Nam.
Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò cầu nối của cộng đồng kinh doanh, “cánh tay nối dài” của cơ quan chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới đầu tư và DN. Do vậy Hiệp hội sẵn sàng hỗ trợ để nhà đầu tư sớm tiếp cận tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.