08:03:21 | 17/7/2024
Trong 5 tháng đầu năm 2024, TP.Đà Nẵng đã thu hút gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó cấp mới 27 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 22 triệu USD. Đó là tín hiệu đầy khởi sắc dự báo tình hình thu hút đầu tư tại thành phố sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới.
Trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư vào TP.Đà Nẵng tại Lễ công bố quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ưu tiên thu hút đầu tư vi mạch, bán dẫn
Với phương châm thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong năm 2024, Đà Nẵng xác định ưu tiên thu hút đầu tư về vi mạch, bán dẫn.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng nhận định: “Với định hướng trọng tâm thu hút vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, Đà Nẵng cũng quyết không thể chậm chân trong “cuộc đua” này. Theo đó, năm 2024, TP.Đà Nẵng sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ AI nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá”.
Để đón đầu cơ hội trong ngành này, Đà Nẵng đang quyết liệt tập trung vào giải pháp “kiềng 3 chân”, đó là: Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. Đối với hạ tầng, Đà Nẵng hiện có công viên phần mềm, khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung. Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng cũng vừa chính thức có cơ chế hoạt động, dự kiến đáp ứng khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thành phố cũng sẽ tiếp tục mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn II; thu hút đầu tư Khu không gian sáng tạo Hòa Xuân; hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay,…
Song song với đó, trong yếu tố nguồn nhân lực, Đà Nẵng đang có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ và liên kết với các trường đại học về vi mạch bán dẫn, đặc biệt là Đại học Bách khoa Đà Nẵng - 1 trong 5 trường trọng điểm của quốc gia về đào tạo bán dẫn. Đồng thời, thành phố đề ra nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong ngành, như phát huy hiệu quả Tổ công tác và Tổ tư vấn triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch”; thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng (Trung tâm DSAC),… Sớm đưa ra dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo, như Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP.Đà Nẵng”,…
Ngoài những định hướng, cơ chế rõ ràng, sức hút của môi trường đầu tư TP.Đà Nẵng còn đến từ lợi thế vị trí trung tâm, động lực tăng trưởng của toàn vùng, cùng với đó là nỗ lực cải cách hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Cùng với xu hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến nền kinh tế xanh, TP.Đà Nẵng cũng kiên định với mục tiêu: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ cao, công nghiệp sạch và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Riêng đối với các dự án đầu tư mới thì ưu tiên thu hút và ưu đãi đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử - phần cứng, cơ khí chính xác; khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư trong các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ; cơ khí chế tạo máy móc thiết bị; sản xuất lắp ráp ô tô, phương tiện vận tải, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng giá trị gia tăng (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,...); công nghiệp môi trường; dự án sản xuất năng lượng sạch.
Để thật sự trở thành điểm đến tin cậy trong mắt các nhà đầu tư, Đà Nẵng cũng luôn tăng cường công tác thông tin, đối thoại với doanh nghiệp. Đặc biệt, thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư như chính sách hỗ trợ mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh, đăng tải thông tin cung cấp bản đồ tổng thể về quy hoạch chung của Đà Nẵng và thông tin về các khu đất trống kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng.
Phát triển bền vững
Liên tục nhiều năm qua, TP.Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể như: 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; khoảng 97,38% số hộ gia đình và 98,97% số tổ dân phố đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 89,9% nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Từ những kết quả này, thành phố vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng về môi trường. Trong 02 năm liền, thành phố là địa phương đứng đầu trong 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương về bộ chỉ số bảo vệ môi trường được đánh giá bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong 2 năm, (2021 - 2023), Đà Nẵng đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong lĩnh vực “Thành phố môi trường thông minh Xanh - Sạch”. Có thể nói, để có được cảnh quan, môi trường thành phố sạch - đẹp như hiện nay là sự chung tay tích cực của rất nhiều cộng đồng dân cư, người dân thành phố.
Trên cơ sở đó, địa phương tiếp tục đặt mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030”, nhằm đáp ứng định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc triển khai thực hiện đề án giai đoạn này có mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, mang tính hệ thống, đảm bảo huy động các nguồn lực và lộ trình thực hiện.
Theo đó, thành phố kêu gọi, mỗi cơ quan, đơn vị, người dân thực sự là nhân tố tích cực, nêu cao trách nhiệm bằng hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường tại nơi ở, khu dân cư, trong các khu công nghiệp và ngay trong từng doanh nghiệp.
Với diện tích không quá lớn, quỹ đất trong các khu công nghiệp không còn nhiều nên từ lâu, Đà Nẵng đã xác định không thể là đại công trường cho các nhà máy sản xuất công nghiệp đơn thuần, mà sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Thành phố sẽ không nóng lòng thu hút đầu tư bằng mọi giá mà sẽ kiên định với hướng đi xây dựng thành phố môi trường.
Ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, luôn sát cánh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Qua đó, xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững. Với khát vọng cùng quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo thành phố, sự chủ động vào cuộc của các sở, ban, ngành, tin rằng thu hút đầu tư vào Đà Nẵng không chỉ khởi sắc, mà còn có sự đột phá mới trong năm 2024 và những năm tiếp theo”.
Duy Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI