Nỗ lực giữ chân nhà đầu tư, xây dựng “thành phố đáng sống, đáng đầu tư”

09:14:08 | 22/7/2024

“Trong mọi công tác, các ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn xác định lựa chọn những dự án đảm bảo môi trường, công nghệ tiên tiến, giá trị tăng cao, tăng cường thu hút đầu tư trên các lĩnh vực thế mạnh”, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng nhấn mạnh. Có thể thấy Đà Nẵng đã và đang quyết tâm giữ chân các nhà đầu tư tiềm năng, cùng chung sức xây dựng “thành phố đáng sống, đáng đầu tư”.


Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (bên phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, tháng 01/2024

Nhiều tín hiệu tích cực

Từ lâu, trong mắt các nhà đầu tư, thành phố Đà Nẵng đã luôn hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Thời gian qua, địa phương luôn tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore; kêu gọi các tập đoàn lớn có nhu cầu mở rộng đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án phù hợp quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050,…

Có thể kể đến các yếu tố quyết định sự tăng trưởng cũng như “sức hút” của thành phố Đà Nẵng, đó là sự quyết tâm chính trị của chính quyền và nhân dân thành phố; tiềm năng, lợi thế, nguồn lực đặc thù sẵn có, đặc biệt là về địa lý, tài nguyên thiên nhiên; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, phát triển kinh tế đô thị, kinh tế biển; phát triển sản xuất, kinh doanh dựa trên các ngành kinh tế quan trọng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Dịch vụ - công nghiệp - thủy sản, nông, lâm”. Cùng với đó là hiệu lực quản lý nhà nước với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, với định hướng đúng đắn là phát triển kinh tế số và ứng dụng khoa học - công nghệ mạnh mẽ, tăng mức đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong tăng trưởng kinh tế,…

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng trong những năm gần đây diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp. Do vậy ngay từ đầu năm, địa phương đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chỉ đạo hướng đến chủ đề năm 2024 của thành phố là: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Nhờ vậy trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã đạt được những con số đáng kỳ vọng, với số lượt khách phục vụ tại các cơ sở lưu trú ước đạt 2.783 nghìn lượt, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ ước đạt 23.628 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 30/6/2024, thành phố đã thu hút tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh dự án trong nước là 25.264,754 tỷ đồng, dự án FDI là 27,850 triệu USD. Lũy kế đến nay, dự án đầu tư trong nước trong và ngoài các khu công nghiệp là 776 dự án với tổng vốn 255.135,92 tỷ đồng và 1.012 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,35 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 9.248,8 tỷ đồng, bằng 125% so với cùng kỳ.

Tiếp tục các giải pháp nhằm thu hút đầu tư

“Trong những năm qua, chính quyền thành phố đã nỗ lực rất lớn trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố cùng với sự quan tâm, đồng hành, quyết tâm vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp. Thành phố luôn chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư; tích cực cung cấp thông tin đầu tư; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. Thường xuyên phối hợp, kiến nghị với các tổ công tác của Trung ương về các khó khăn, vướng mắc không thuộc thẩm quyền để nghiên cứu, bổ sung vào Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”; thực hiện tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến lĩnh vực đô thị, đất đai, quy hoạch, xây dựng, tài chính thuộc thẩm quyền nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, triển khai thực hiện dự án đầu tư. Điều đó đã xây dựng niềm tin ngày càng vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư, góp phần làm gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đồng thời tạo ra một số ngành quan trọng để sản xuất các sản phẩm mới” - bà Trần Thị Thanh Tâm chia sẻ thêm.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ thu hút vốn đầu tư đăng ký khoảng 7,0 tỷ USD, thành phố cũng đã đề ra những giải pháp quan trọng:

Tập trung làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp trước năm 2025. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là vào cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (KCNC), khu công nghệ thông tin. Ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số…; đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam; thực hiện kết nối KCNC và các khu, cụm công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với KCNC. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là với các thị trường trọng điểm; thúc đẩy triển khai phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo tầm quốc gia.

Tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh. Cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư. Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh trình tự thủ tục, triển khai các dự án động lực, trọng điểm, quy mô lớn. Tiếp tục triển khai các thủ tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án để khơi thông nguồn lực theo Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”.

Đặc biệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền địa phương và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, nhất là những cơ chế, chính sách mới, nổi bật, dự kiến sẽ mang lại xung lực mới cho thành phố trong chặng đường phát triển sắp tới như: Khu thương mại tự do; thu hút nhà đầu tư chiến lược, kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm logistics; phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo,…

Lợi thế hấp dẫn của Đà Nẵng, đó là nơi dừng chân lý tưởng, được nhiều người đánh giá có môi trường sống tốt của Việt Nam, là điểm đến du lịch nổi tiếng ở miền Trung và của cả nước, cũng là nơi thường được lựa chọn để tổ chức nhiều hội nghị mang tầm quốc tế. Bởi như bà Trần Thị Thanh Tâm nhấn mạnh: “Mỗi doanh nghiệp thành công, phát triển chính là sự thành công, phát triển của thành phố. Chúng tôi không ngừng phấn đấu để môi trường đầu tư kinh doanh ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới, tiếp tục xây dựng, phát triển Đà Nẵng xứng đáng là “thành phố đáng sống, đáng đầu tư”.

Hoàng Lâm - Hàn Lương (Vietnam Business Forum)