Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư duy mở và tầm nhìn chiến lược

10:02:19 | 26/7/2024

Với tầm nhìn chiến lược và tư duy mở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế tư nhân và xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Trong hơn 13 năm giữ trọng trách cao nhất của Đảng, Nhà nước, với những chính sách và nghị quyết do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Để phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, xem họ như những người tiên phong trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” tại trụ sở VCCI vào năm 2011

Những nghị quyết mang tầm chiến lược

Tư duy này đã được thể hiện qua Nghị quyết số 09-NQ/TW, sau đó là Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để xây dựng đội ngũ doanh nhân trở thành lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những nghị quyết này không chỉ khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân mà còn đặt ra yêu cầu tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

Điều này thể hiện qua việc bổ sung các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giúp tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn hơn cho các doanh nghiệp. Nghị quyết số 09-NQ/TW đã đánh dấu bước ngoặt trong việc phát huy vai trò của doanh nhân, xem họ như những người tiên phong trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, Nghị quyết số 09 đã giúp mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân, từ đó nâng cao tầm quan trọng của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt, việc khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án lớn đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về quy mô và chất lượng của khu vực tư nhân, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho khu vực công

Nghị quyết số 41-NQ/TW tiếp tục tinh thần của nghị quyết trước đó, nhưng với tầm nhìn rộng mở hơn, đặt ra những mục tiêu cụ thể và mạnh mẽ hơn về phát triển doanh nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghị quyết 41 nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, có trách nhiệm xã hội và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này không chỉ giúp nâng cao vị thế của doanh nhân Việt Nam, mà còn góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường phát triển bền vững và tự chủ.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và đại diện các doanh nhân trẻ tiêu biểu. Ảnh: DNT.

Tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện rõ qua Nghị quyết số 10-NQ/TW. Nghị quyết 10 khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.

Nghị quyết 10 đã mở ra một không gian phát triển mới cho khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển nhanh, bền vững và đa dạng. Đảng và Nhà nước đã đặt ra những mục tiêu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp, năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân cũng được khuyến khích phải cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Nghị quyết 10 đã tạo ra một cú hích quan trọng cho kinh tế tư nhân, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai và tiếp cận tài chính đã giúp nhiều doanh nghiệp tư nhân vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ hơn.

Tạo sức hút từ môi trường đầu tư thuận lợi

Bên cạnh đó, Nghị quyết 10 còn thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tư nhân, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường quốc tế.


Từ một doanh nghiệp tư nhân, qua 27 năm hình thành và phát triển THACO đã trở thành một Tập đoàn công nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của đất nước như: SXLR ô tô, cơ khí chế tạo, nông nghiệp quy mô lớn, đầu tư xây dựng, thương mại dịch vụ, giao nhận vận chuyển. Hiện THACO là một trong những doanh nghiệp dân tộc, hoạt động đúng hướng, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) ngày 14/01/2012

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi là một trong những mục tiêu chính trong chiến lược phát triển kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các chính sách và nghị quyết do ông đề ra luôn nhấn mạnh đến cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt các rào cản hành chính, tăng cường minh bạch.

Những nỗ lực này đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, từ đó đã nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Nhờ chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng đội ngũ doanh nhân và cải thiện môi trường đầu tư… Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các chính sách ưu đãi về thuế, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Từ những quyết sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam thu hút được các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như Samsung, Intel, LG và nhiều tập đoàn khác. Họ không chỉ xây dựng các nhà máy sản xuất mà còn thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Điều này đã góp phần nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, giúp quốc gia này tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực. Như vậy, với tư duy mở và tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân và xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Chính từ các chính sách và nghị quyết này đã tạo ra cho Việt Nam có được một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và an toàn, giúp kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững. Những thành tựu đó không chỉ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, mở ra một tương lai tươi sáng cho đất nước.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp