12:12:05 | 31/7/2024
Sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam luôn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành nông sản năm 2023 đạt 26,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp được đánh giá là chưa bền vững, năng suất hiệu quả chưa cao... Bởi vậy, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để phát triển ngành nông nghiệp bền vững đang là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới.
Phát triển cả quy mô và trình độ sản xuất
Tại Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
“Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2024 lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp), trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 3 - 4%, nhất là từ giai đoạn năm 2021 đến nay, với nhiều nỗ lực trong nước và xu hướng tăng giá chung của nhiều mặt hàng nông sản, tăng trưởng nông nghiệp đã đạt mức 3,4 - 3,8%. Hiện nay, Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Đó là năng suất đến ngưỡng, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, cá tra… đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm; đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần; thiếu nước... Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu...
Đặc biệt, khó khăn lớn của ngành nông nghiệp hiện nay là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.
“Làm được điều đó, chỉ có thể tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đổi mới và hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng nhận định, nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Nói cách khác, nông nghiệp ứng dụng công nghệ 5.0 gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp hiệu quả, năng suất cao, trong đó sự hợp tác của con người với khoa học - công nghệ được đề cao. Với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng công nghệ 5.0 với khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, hàng chục triệu nông dân sẽ được tiếp cận, đào tạo kỹ năng để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị cho nền nông nghiệp bền vững…
Theo ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cần thiết để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, cần hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực.
Tại đây nhà nước và doanh nghiệp có cơ chế phối hợp để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường; gắn bó xung quanh hạt nhân này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cùng cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.
Ngoài ra, cần áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Là ngành nắm giữ lợi thế quốc gia, liệu nông nghiệp Việt Nam có tiếp tục giữ vững vai trò bệ đỡ ổn định và động lực phát triển cho kinh tế, xã hội, môi trường của đất nước hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quá trình thích nghi và phát triển của các doanh nghiệp ứng dụng khoa học nghệ đầu đàn của Việt Nam. Và quá trình này đã vượt qua giai đoạn có thể chỉ dựa vào nỗ lực bản thân của các đơn vị mà phải có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa họ với các tổ chức khoa học công nghệ, giữa họ với đông đảo nông dân trên nền tảng một hệ thống chính sách, pháp luật hiệu quả của nhà nước.
Do đó, ông Sơn cho rằng, cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học.
Đồng thời, cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện tổ chức của hệ thống khuyến nông và dịch vụ tư vấn công nghệ, hình thành quan hệ phục vụ khách hàng với đội ngũ cán bộ chuyển giao kỹ thuật, gắn hiệu quả phục vụ người sản xuất với lợi ích thiết thân của họ; Đổi mới cung cách đào tạo cán bộ kỹ thuật để hình thành đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao, phục vụ mọi đối tượng sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đổi mới căn bản thủ tục hình thành, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ để hình thành các khu NNCNC, vùng NNCNC tạo ra các cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp CNC, công viên nông nghiệp CNC, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo đối tác công-tư.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam nhằm tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bằng cách huy động các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế liên kết các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm…
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan có liên quan sẽ tham mưu đổi mới chính sách có tính tới sự phối hợp bộ ngành về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng tạo sức bật trong tập trung ruộng đất, quỹ đất vừa đủ cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành phụ trợ…; chính sách tín dụng; chính sách thuế minh bạch rõ ràng; chính sách nghiên cứu khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực…
Cần những "đầu tàu" trong đổi mới sáng tạo Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Mạng lưới sáng kiến về đổi mới sáng tạo được đánh giá cao, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi đây là sáng kiến rất hữu ích với Việt Nam trong diễn đàn kinh tế thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ hiện cũng cố gắng, nỗ lực đưa ra các sáng kiến để gắn kết, liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế. Nguồn lực từ khu vực các viện nghiên cứu, trường Đại học cần phải kết hợp và thông qua khu vực doanh nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường và phù hợp với các thách thức, yêu cầu của quốc tế. Khu vực Chính phủ là nơi đưa ra những sáng kiến để kiến tạo nhưng không làm thay và khu vực tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng để cung cấp các nguồn lực và là thước đo hiệu quả của các chính sách cũng như các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Cách tiếp cận của đổi mới sáng tạo mở này cần có sự tham gia sâu rộng của các Tập đoàn, đặc biệt là các Tập đoàn dẫn dắt trong các lĩnh vực bởi họ là người đặt hàng và tham gia giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và khu vực. Hiện nay có rất nhiều thách thức cho nền nông nghiệp bên cạnh những thách thức chung của toàn cầu, ví dụ như thoái hóa đất đai, biến đổi khí hậu,… đang làm Việt Nam đứng trước những thách thức vô cùng lớn thì việc áp dụng kinh tế chia sẻ, chia sẻ từ các Tập đoàn dẫn đầu lĩnh vực là vô cùng quan trọng giúp thay đổi cục diện, đi cùng người nông dân để tạo ra những hiệu quả… Chúng ta đang thiếu những đàu tàu dẫn dắt trong lĩnh vực chiến lược để tạo ra sự cạnh tranh. Việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức - doanh nghiệp khoa học là tất yếu Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành nền tảng của nền nông nghiệp thông minh và phát triển bền vững, cách thức tiếp cận cần đặt trọng tâm vào các tổ chức khoa học và doanh nghiệp nông nghiệp trong các hoạt động đầu tư. Muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Trên thực tế, tại Việt Nam, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp nói chung, phần lớn còn đang làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống. Kinh nghiệm, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở mức thấp, chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ và bền vững. Chính vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn - Bền vững. Tại thời điểm hiện nay, 63 tỉnh thành trên cả nước đều có các trung tâm, tổ chức, doanh nghiệp khoa học thuộc Nhà nước, nhiều trung tâm đã được đầu tư rất lớn, nhiều thiết bị và công nghệ hiện đại nhưng hầu hết không phát huy được các nguồn lực sẵn có vì thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện hoạt động hợp tác, liên kết với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh cho các loại hình hợp tác “Công - Tư” và đổi mới sáng tạo. Việc sử dụng tài sản công để hợp tác phát triển còn rất vướng mắc. Các quy định của pháp luật cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bao gồm các hoạt động đổi mới sáng tạo còn thiếu… Do đó, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “Công – Tư”. Đồng thời, sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Các mô hình hợp tác phát triển và đổi mới sáng tạo cần được cho phép thực hiện theo hình thức thử nghiệm, thí điểm theo cơ chế mở, không bị chi phối bởi các quy định cũ trên nguyên tắc chỉ làm những gì pháp luật không cấm… Quy hoạch cần có đủ tầm để gắn kết với đầu ra Ông Phạm Đình Nam - Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và phát triển nông nghiệp Việt Nam Trước hết cần phải làm rõ khái niệm nông nghiệp công nghệ cao để xem có được hỗ trợ từ chính sách, cơ chế không? Thứ hai, đã nói đến nông nghiệp công nghiệp cao sẽ gắn liền với quy hoạch. Yêu cầu quy hoạch cần có đủ tầm để gắn kết với đầu ra, hạn chế tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Nông nghiệp công nghệ cao cần phát triển ở vùng cao, vùng núi trên cơ sở ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ xuất khẩu. Vấn đề quy hoạch rất quan trọng, đối tượng của nông nghiệp là các hộ nông dân nhỏ lẻ, các hợp tác xã và doanh nghiệp đang khó khăn trong tiếp cận quy hoạch. Khi vấn đề quy hoạch không được giải quyết tốt sẽ liên quan đến nhiều vấn đề khác như logistic, vận chuyển vừa tốn kém vừa không hiệu quả. Thứ ba, cơ chế chính sách liên quan đến tài sản đảm bảo. Khi đầu tư nông nghiệp công nghiệp cao, doanh nghiệp phải bỏ chi phí lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà màng, nhà lưới… hay những sản phẩm được hình thành trên đất nông nghiệp cần được xem là tài sản đảm bảo để tiếp cận tín dụng. Thứ tư, vấn đề cần quan tâm và làm rõ là nông nghiệp công nghệ cao có gắn với phát thải khí nhà kính, có kiểm đếm, đo đếm để hình thành tín chỉ carbon hay không? Hiện nay, nội dung quan trọng này chưa được nghiên cứu. Cần có nghiên cứu cơ bản, xác đáng từ các viện, trường và các cơ quan có liên quan về nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế, rất cần có doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư sản xuất sản phẩm được lựa chọn theo ngành hàng cụ thể. Để hỗ trợ các ngành hàng cụ thể, rất cần sự phát triển đồng bộ của thương mại điện tử, thương mại không kho bãi để giảm chi phí sản xuất, chi phí logictic… Khơi thông vốn cho nông nghiệp công nghệ cao Ông Lê Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay vốn thực hiện công nghệ cao. Cụ thể, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp CNC còn nhiều bất cập như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn; Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên NHTM thiếu căn cứ để xác định cho vay theo chương trình. Bên cạnh đó, thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp CNC. Đây là một yếu tố quan trọng, bởi để phát triển nông nghiệp CNC, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, công nghệ, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Việc tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, cần phải có diện tích đất quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất manh mún. Với tình trạng này, nếu Nhà nước và các cấp chính quyền không có những giải pháp thúc đẩy tích tụ tập trung những diện tích đất đai nhỏ lẻ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khó có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp… Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao TS Trịnh Văn Thiện - Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hải Dương Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Bởi vậy, đề nghị các doanh nghiệp nông nghiệp liên doanh, liên kết với các tổ chức của nông dân để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ quá cao và năng suất thấp. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp thông minh. Vấn đề này được xem là hạt nhân trong phát triển nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, cần hỗ trợ đầu tư xây dựng vào cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống hạ tầng thông tin phục vụ cho thương mại điện tử và cơ sở hạ tầng chế biến nông sản. Khu vưc nông thôn với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ thông tin chưa thật tốt, trình độ nguồn lực chênh lệch. Đây là nơi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển nhất, cần được tăng cường và sử dụng cho sản xuất hơn là cho giải trí như hiện nay. Sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thông minh ứng dụng từ công nghệ 5.0 cần có quy mô sản xuất hàng hóa; có thị trường hiện tại cũng như tiềm năng, có đủ điều kiện phát triển như đất đai, phù hợp về khí hậu thời tiết. Do việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn rất ít, nên nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sự dụng đất đai và tài nguyên chưa cao. |
Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI