08:19:52 | 6/8/2024
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, Việt Nam lại ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về kinh tế, đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục bứt phá với 439,88 tỷ USD đạt được trong 7 tháng đầu năm.
Khu vực FDI duy trì phong độ xuất khẩu
Báo cáo mới nhất Tổng cục Thống kê phát hành sáng 29/7 cho thấy, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.
Tính chung bảy tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
Các chuyên gia tự tin rằng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2024 hoàn toàn khả thi. Việc nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng đầu thế giới đã khẳng định vị thế của nước ta trên bản đồ thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển hơn nữa, Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và nhanh chóng thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Đa dạng hóa thị trường
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.
Trên thực tế, bên cạnh các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... thì Brazil, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)... là những thị trường mới tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu lớn mà hàng hóa Việt Nam cần tăng tốc để bước vào sâu hơn. Qua đó, giảm bớt rủi ro khi hàng hóa bị phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Bộ Công Thương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp như đẩy nhanh đàm phán các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP…; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Ngô Xuân Tỵ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Peru và Suriname) cho biết, thị trường Brazil, đây là nền kinh tế Top 10 thế giới, thuộc nhóm G20 và là nước đi đầu trong Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (Mercosur). Đây cũng là thị trường dễ tính, không quá khắt khe về tiêu chuẩn như những nước phát triển khác. Ngoài ra, cần khai thác thêm thị trường Peru - cũng là thành viên trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã tham gia.
Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Rumani Phạm Thị Thu Hà cho biết, 6 tháng 2024, kim ngạch XNK song phương đạt 241,5 triệu USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ 2023. Rumani là thị trường đầy tiềm năng để DN Việt Nam khai thác, đẩy mạnh XK, đặc biệt là với các DN nhỏ và vừa, có quy mô tài chính vừa phải. DN Việt Nam đang có nhiều cơ hội để xúc tiến XK các sản phẩm sinh phẩm trong ngành chăn nuôi, hóa dầu, dầu mỏ, các nguyên phụ liệu dệt may… sang thị trường Rumani.
Các doanh nghiệp Việt cũng đang tập trung xúc tiến thương mại vào thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo) với quy mô 2 tỷ người. Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Ai Cập, Ả Rập Xê-út, UAE... là những thị trường tiềm năng với nhu cầu nhập khẩu sản phẩm Halal rất lớn.
“Các DN cần nắm bắt tập quán kinh doanh, những tiêu chuẩn, quy định cập nhật của từng mặt hàng tiềm năng khi giao thương tại thị trường này”, bà Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh.
Có thể thấy, bên cạnh việc củng cố các thị trường truyền thống, việc mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông và các nước Hồi giáo là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp cần tập trung thúc đẩy giao thương, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao, xây dựng thương hiệu mạnh và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để thâm nhập thành công vào các thị trường mới này.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.