Năm 2009, dù khủng hoảng kinh tế thế giới gây nhiều "sóng gió" cho nền kinh tế đất nước nhưng Thành phố vẫn là nơi đặt niềm tin, thiết lập quan hệ làm ăn lâu dài của các nhà đầu tư, từ những nhà đầu tư phát triển bất động sản, công nghiệp, dịch vụ, du lịch cho đến các hãng xây dựng, đóng tàu…
Triển vọng lớn
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển Tp.HCM. Tính từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, thành phố luôn là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI của cả nước. Đặc biệt trong năm 2009, trước những thách thức lớn từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, vốn FDI vào thành phố vẫn tăng khá với 369 dự án được cấp phép mới (tổng vốn đăng ký 841 triệu USD), nâng tổng số dự án vẫn còn hiệu lực hoạt động tại thành phố lên 3.470 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 27,29 tỷ USD; tăng gần 12% về số dự án và tăng khoảng 6,6% về số vốn so với năm ngoái. Trong đó Malaysia là quốc gia có tổng vốn đầu tư vào Tp.HCM cao nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI vào thành phố, tiếp đến là Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan…
Bước qua năm 2010, tình hình thu hút vốn FDI vào thành phố tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Trong 3 tháng đầu năm 2010, thành phố đã cấp phép mới cho 68 dự án, với tổng vốn đăng ký 378 triệu USD, vốn pháp định 61,6 triệu USD; vốn bình quân 1 dự án đạt 5,5 triệu USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, kế hoạch thu hút 8,4 tỷ USD vốn FDI trong năm 2010 chắc chắn không phải là mục tiêu xa vời.
Ngoài việc góp phần quan trọng bổ sung nguồn vốn trong nước và trở thành động lực, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng kinh tế, các dự án FDI cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP, làm cho công nghiệp và dịch vụ trở thành hai trụ cột chính; đồng thời gia tăng kim ngạch trong tổng giá trị xuất khẩu của thành phố. Hoạt động FDI cũng góp phần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, cải thiện và cao đời sống của người dân. Đặc biệt, việc phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp đã biến đổi trên 3.500 ha từ đất nông nghiệp hoang hóa, nhiễm mặn, nhiễm phèn, năng suất thấp thành đất công nghiệp có đủ cơ sở hạ tầng dịch vụ, giải quyết nhiều lao động cho thành phố và các tỉnh.
Quan trọng hơn, đầu tư nước ngoài đã giúp thành phố tiếp thu những công nghệ, kỹ thuật hiện đại; kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tiên tiến và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Ngoài ra, các phương thức hoạt động của doanh nghiệp FDI đã tạo sự canh tranh ngay ở thị trường trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến.
Tạo lực hấp dẫn
Ông Lư Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (Sở KH&ĐT) Tp.HCM cho biết, trong chiến lược phát triển tổng thể, thành phố đặc biệt coi trọng thu hút vốn FDI, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực: dịch vụ, công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành sản xuất thâm dụng vốn, có hàm lượng chất xám và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; các ngành sản xuất thân thiện với môi trường... nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Cụ thể là các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí – tự động hóa , điện tử, vật liệu mới, viễn thông, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội... Đây là các ngành có lợi thế cạnh tranh gắn với công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng hiện đại và bền vững.
Theo đó để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên của thành phố, Sở KH&ĐT đang tìm cách khắc phục những tồn tại không đáng có để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn FDI bên cạnh chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc xem xét, cấp giấy phép cho nhà đầu tư càng nhanh càng tốt. Bên cạnh việc rút ngắn thời gian cho các thủ tục hành chính, Sở KH&ĐT chủ trương đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại; tăng cường các hoạt động hội thảo; gặp gỡ giao lưu, tìm hiểu đối tác, thị trường giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài. Thực hiện phương cách linh hoạt nhất để có thể kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư FDI. Quan trọng hơn, tích cực cởi các "nút thắt" về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phụ trợ…, tạo sự thông thoáng cho dòng chảy FDI vào thành phố. Đồng thời tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học đáp ứng cho việc phát triển các dự án công nghệ cao.
Cũng theo ông Phong, vấn đề cấp thiết là chấn chỉnh công tác quy hoạch. Cụ thể, phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch về đất đai, thống kê quỹ đất, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ tiêu quy hoạch, hình thức đầu tư… Đồng thời, phê duyệt các quy hoạch còn thiếu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án. Thành phố cũng tiến hành nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho các khu thu hút đầu tư trọng điểm như: Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước để làm chất xúc tác thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, để có thể đạt mức thu hút đầu tư nước ngoài cao và thu hút được nhiều dự án lớn, thành phố cũng đã chấp thuận chủ trương đưa năm khu “đất vàng” nằm ở trung tâm quận 1 với vị trí đắc địa và dự kiến có vốn huy động từ vài trăm triệu đến hàng tỉ USD cho mỗi dự án vào danh mục các dự án cần tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang có một số dự án đầu tư lớn đang chờ cấp phép như dự án đầu tư vào khu đô thị Tây Bắc Củ Chi của Tập đoàn Capital Group có vốn đầu tư từ 2-3 tỉ USD ; dự án đầu tư của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc…
Với nhiều nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng vấp; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ững tin Tp.HCM - nơi đang được kỳ vọng lớn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang ngành nghề có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ, hàm lượng quản lý… cao và tiếp tục là đầu tàu, là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong năm nay.
Gia Phúc
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI