HỒ CHÍ MINH

Công thương Tp.Hồ Chí Minh: đầu tàu phát triển kinh tế xã hội

14:41:21 | 26/4/2010

Với lợi thế đặc thù, ngành công thương luôn đóng góp tích cực vào những thành tựu của Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới thành phố xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động công thương, tạo mũi nhọn xung kích phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao và bền vững.

Khẳng định vị thế

Năm 2009, thông qua triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp…, sản xuất công nghiệp (SXCN) Thành phố đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và phục hồi mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về quy mô và tốc độ tăng trưởng công nghiệp toàn quốc. Giá trị sản xuất đạt 181.893 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% quy mô công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và chiếm khoảng 27% giá trị sản xuất công nghiệp toàn quốc. SXCN tiếp tục phát triển, tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Gói kích thích kinh tế và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ tác động tích cực đến kết quả SXCN mà còn hỗ trợ rõ nét cho các hoạt động thương mại, dịch vụ. Tính từ đầu năm 2009, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Thành phố đạt 291.590 tỷ đồng, chiếm 25,5% giá trị lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ cả nước. So với năm 2008, tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tăng 19,2%, cao hơn mức tăng 18,7% bình quân chung của cả nước. Thương mại – dịch vụ phát triển đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP Thành phố, đồng thời giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho, khôi phục hoạt động và bắt đầu chu kỳ sản xuất kinh doanh mới. Mặt khác, kết quả hoạt động thương mại cho thấy sự thành công của nhiều doanh nghiệp khi chuyển hướng từ thị trường xuất khẩu sang đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được giữ vững, lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn tăng khá. Kim ngạch nhập khẩu được kiểm soát ở mức hợp lý, cán cân thương mại Thành phố được cải thiện. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2009 đạt 12.124 triệu USD, tăng 1,3% so với năm 2008. Trong đó, một số mặt hàng đạt mức tăng trưởng khá cao như máy tính và linh kiện tăng 14%, lượng gạo tăng 32,5%, cà phê tăng 15%, cao su và dệt may tăng 7%. Với hoạt động xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ, ngành công thương đã đem về cho Thành phố một lượng ngoại tệ đáng kể phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác. Mặt khác, kết quả trên cũng cho thấy hàng hóa, doanh nghiệp thành phố vẫn cạnh tranh được và đứng vững trước những khó khăn, thách thức trên thị trường thế giới.

Nhiều giải pháp tích cực

Ông Nguyễn Văn Lai - Giám đốc Sở Công Thương T.p Hồ Chí Minh cho biết năm 2010 được dự báo là một năm đầy thách thức với ngành công thương. Để phát triển bền vững và trước mắt là đạt được những mục tiêu kế hoạch đề ra (sản xuất công nghiệp tăng 9,2%; thương mại tăng 19,5% và xuất khẩu tăng 12,7%), ngay từ đầu năm ngành đã chủ động triển khai đồng loạt nhiều giải pháp cũng như tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu của Chính phủ và Thành phố; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng chất xám, công nghệ và giá trị gia tăng cao…; tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm.

Theo đó kết quả ban đầu đạt được rất khả quan. Trong 3 tháng đầu năm 2010, kinh tế Thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) trong quý I/2010 tăng 11% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu trong quý I/2010 tăng 16,9%; vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tăng 15,1%... Đây là những tín hiệu đáng mừng để có thể khẳng định xu hướng phục hồi tăng trưởng và ổn định kinh tế tiếp tục diễn ra trên địa bàn. Về SXCN, trong quý I/2010 tổng giá trị SXCN thực hiện trên địa bàn Thành phố đạt 127.398 tỷ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2009. Trong đó, công nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng 16,1% tăng 8,8%; công nghiệp dân doanh chiếm 45,8%, tăng 15%; công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 38,1%, tăng 15,2% so cùng kỳ.

Cũng theo ông Lai, để đạt và vượt những chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới ngành công thương Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời khuyến khích đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng - chi phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh. Song song đó tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công thương, tăng cường hợp tác với các địa phương khác trong cả nước, đẩy mạnh hội nhập với khu vực và thế giới.

Thanh Tân