HỒ CHÍ MINH

TP. Hồ Chí Minh: Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo

15:58:32 | 26/4/2010

TP.HCM được xem là thành phố năng động, luôn đi đầu về tốc độ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng 1/5 GDP của cả nước. Phóng viên Tạp chí Vietnam Bussiness Forum đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân nhân dịp kỷ niệm sự kiện 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân

Xin Chủ tịch điểm lại những thành tựu nổi bật mà TPHCM đã đạt được sau 35 năm giải phóng ?

Qua 35 năm xây dựng, phát triển, thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, cách làm mới, tư duy mới và giành được những thành tựu rất to lớn và toàn diện.

Thứ nhất, kinh tế được khôi phục và không ngừng tăng trưởng qua các năm. Nhiều năm liền thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giữ mức tăng trưởng GDP bình quân từ 10% -12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, ít thâm dụng lao động, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hình thành một nền nông nghiệp đô thị sinh thái. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng dần qua các năm và đạt mức bình quân 35% GDP. Thành phố đã đóng góp 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/3 giá trị xuất khẩu và 1/5 GDP cả nước.

Thứ hai, công tác quản lý, phát triển đô thị tiếp tục có chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng được cải thiện, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Thành phố đã tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục xuyên tâm, trục Bắc Nam, đường vành đai, các tuyến metro, đường trên cao… Các khu đô thị mới như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc…được đầu tư xây dựng, phát triển hiện đại hài hòa với tổ chức không gian của thành phố. Các loại dịch vụ đô thị như cấp điện, nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải được quan tâm đầu tư, môi trường sản xuất được cải thiện, công nghệ sản xuất sạch hơn được triển khai áp dụng.

Thứ ba, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ. Thành phố là địa phương đi đầu cả nước trong công tác phổ cập giáo dục, đến nay đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học. Mỗi năm thành phố đều dành khoảng 20% vốn đầu tư xây dựng cơ bản và ưu tiên các nguồn vốn kích cầu để đầu tư xây dựng trường lớp. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng phát triển, đạt hiệu quả tốt, được sự đồng tình của xã hội. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đã tập trung đi sâu nghiên cứu, ứng dụng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao, phục vụ sản xuất, từng bước thay thế nhập khẩu.

Chợ hoa Nguyễn Huệ

Thứ tư, lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển, chất lượng dịch vụ cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh được nâng lên đáng kể. Các chương trình an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Thành phố đã hoàn thành công tác xóa nghèo theo tiêu chí thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm; năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm) giảm xuống còn 8%;

Trong giai đoạn phát triển mới, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó ưu tiên đầu tư các chương trình trọng điểm, mang tính đột phá như: Các chương trình nâng cao hạ tầng cơ sở như giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chương trình cải cách hành chính gắn với việc triển khai thực hiện đề án thí điểm chính quyền đô thị; Chương trình chuyển dịch cơ cu kinh tế; Chương trình hội nhập kinh tế quốc tế…

Nhìn chung, sau năm 2020, thành phố phấn đấu đạt mục tiêu trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, là một trong những thành phố phát triển nhanh, năng động của khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Thành phố sẽ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, nổi bật là một trung tâm kinh tế tài chính và dịch vụ chất lượng cao của cả nước.

Chủ tịch đánh giá như thế nào về những nỗ lực của thành phố nhằm vượt qua những thách thức của nền kinh tế thời gian qua ?

TP.HCM cũng như các địa phương khác trong cả nước triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn, thách thức. Năm 2008, toàn cảnh kinh tế thế giới lạm phát, giá cả tăng cao, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cũng không tránh khỏi vùng xoáy đó, nhưng năm 2009 lại diễn biến theo xu hướng ngược lại, suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh, làm tác động xấu đến nền kinh tế, thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực xuất khẩu, du lịch, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

UBND Thành phố đón nhận huân chương lao động hạng nhất

Với truyền thống năng động, sáng tạo, vì cả nước và cùng cả nước, TP đã tập trung chỉ đạo, điều hành, phấn đấu thực hiện tốt các giải pháp mà Chính phủ đề ra nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, chủ động phòng ngừa lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Bằng sự quyết tâm của các ngành, các cấp, mặt trận và các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và nhân dân thành phố, TP.HCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và từng bước hồi phục. Với 18/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2009 đã đạt kế hoạch, riêng 2 chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP đạt 8%) và kim ngạch xuất khẩu chưa hoàn thành nhưng cũng đạt ở mức cao, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vượt kế hoạch 9,4% cho thấy nguồn lực trong dân là rất lớn. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân luôn tin tưởng vào chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, tin vào môi trường đầu tư thuận lợi hơn, chỉ số giá cả được kiểm soát ở mức tăng 7,71%, thấp hơn so với chỉ tiêu. Các vấn đề an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường được chú trọng, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, chống lãng phí có những chuyển biến tích cực, an ninh quốc phòng chính trị ổn định, đây là những điểm mà TP tiếp tục phát huy trong những năm tới.

Xin chủ tịch cho biết những giải pháp của thành phố trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ?

Có thể nói nguồn vốn FDI có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thành phố, là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong nhiều năm liên tục, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển các ngành,các lĩnh vực với công nghệ hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao…

Tuy nhiên, năm 2009, FDI đã giảm đáng kể so với năm trước, chỉ đạt 1,7 tỷ USD, bằng 20,24% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu vẫn là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế ảnh hưởng. Với tín hiệu khả quan từ các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục cho Việt Nam vay vốn ODA với tống mức 8 tỷ USD, nhiều nhà đầu tư đã khởi động triển khai thực hiện các dự án đã được chứng nhận đầu tư, sẽ là làn sóng lan tỏa tác động tốt đến tốc độ tăng trưởng các ngành khác của thành phố. Do đó, để đón đầu nguồn vốn có ý nghĩa này, thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho nhà đầu tư, xây dựng các dự án, công trình ưu tiên kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các chính sách bồi thường thiệt hại, tái định cư, lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch 24 quận- huyện. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Thanh Hòa