HỒ CHÍ MINH

Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng

16:35:14 | 16/8/2010

Thương mại dịch vụ phát triển, hoạt động tài chính có nhiều khởi sắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đem lại hiệu quả cao một lần nữa khẳng định quá trình tăng tốc và đạt được thành quả tốt đẹp của Tp. Hồ Chí Minh trong suốt thời gian qua, đặc biệt điểm nhấn là 7 tháng đầu năm 2010.

Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, trong những năm qua nền kinh tế của Tp.Hồ Chí Minh đã có những bước tiến mang tính đột phá, liên tục tăng dần qua từng năm và có tỷ lệ đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP của cả nước. Bước sang năm 2010, đối phó với những thách thức đã được dự báo trước, ngay từ đầu năm lãnh đạo thành phố đã có sự tập trung cao độ trong triển khai 5 nhóm giải pháp của Chính phủ và cụ thể hóa trong điều hành của thành phố bằng 8 giải pháp để quyết tâm đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết trong 7 tháng đầu năm, kinh tế thành phố phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trung bình của cả nước. Cụ thể giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, ước đạt 323.300 tỉ đồng. Các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao đều có sự tăng trưởng cao (có 24/27 ngành sản xuất tăng so với cùng kỳ). Đứng đầu trong nhóm ngành công nghiệp này là ngành cơ khí chế tạo tăng 31% trong khi cùng kỳ giảm 7%. Kế đó là các sản phẩm điện và điện tử tăng 21% trong khi cùng kỳ giảm 4%. Những số liệu này đã dự báo về sự chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất công nghiệp của thành phố theo hướng tích cực để từng bước thoát khỏi tình trạng gia công cho nước ngoài. Ngoài ra theo Sở Công thương, ngành cơ khí chế tạo đang tăng trưởng tốt (chủ yếu là thiết bị công nghiệp siêu trường, siêu trọng) là cơ sở để khẳng định giá trị sản xuất công nghiệp thành phố từ đây đến cuối năm sẽ còn tăng mạnh thêm. Và nếu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp cả năm đạt mức tăng 14% thì tổng sản phẩm nội địa của Tp.Hồ Chí Minh cả năm 2010 có khả năng sẽ tăng trên 12%.

Hàng hóa tiêu dùng được tiêu thụ mạnh, chiếm phần lớn thị phần. Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố tăng 11%, trong khi trung bình cả nước là 5,8%. Thành phố đã triển khai thực hiện tốt chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để làm được điều này, cùng với sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các ngành, nhất là các doanh nghiệp đã phát triển hạ tầng thương mại thông qua hệ thống siêu thị, đại lý, điểm bán và trung tâm thương mại. Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” . Nhờ vậy, thị trường tiêu thị trong nước ngày càng được mở rộng, nhu cầu mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại tăng 40%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 33%, trong khi cùng kỳ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 17%.

Cùng với sự tăng trưởng trong mảng công nghiệp - dịch vụ, hoạt động thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn FDI có nhiều khởi sắc. Đến thời điểm hiện tạo, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,19 tỷ USD, tăng 14,88% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 88.294 tỷ đồng, đạt 61,2% dự toán cả năm và có mức tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thành phố cũng tiếp đón gần 1,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ; doanh thu toàn ngành du lịch thành phố 7 tháng ước đạt 8.220 tỉ đồng, tăng 24,3%.

Song hành cùng nhịp điệu phát triển kinh tế sôi động, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, công tác chăm lo diện chính sách và người nghèo được quan tâm chu đáo, nhất là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Giáo dục đào tạo đạt kết quả tích cực, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được chú trọng.

Phát huy thành quả đã đạt được, những tháng còn lại của năm Tp.Hồ Chí Minh tập trung nỗ lực, tạo sự bứt phá để phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát tăng cao trở lại. Ông Lê Hoàng Quân cho biết thành phố sẽ tận dụng mọi thời cơ để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2010 là 12% nhằm góp phần kéo tốc độ tăng trưởng cả nước trên mức 6,5%. Theo đó thời gian còn lại, thành phố tiếp tục tập trung vào 5 nhóm giải pháp của Chính phủ, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo lực hấp dẫn thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI, đồng thời thực hiện tốt chính sách tài chính tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá cả cho cả năm 2010, theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hoá, dịch vụ song song với tăng cường công tác quản lý thị trường. Ngoài ra thành phố cũng tập trung rà soát lại các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách, vốn có nguồn gốc ngân sách, trái phiếu Chính phủ… để điều chuyển vốn theo hướng tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách; điều chỉnh, thu hồi và xóa những dự án “treo”, dự án chậm triển khai, chậm tiến độ.

Thời gian "về đích" của cả nước vào năm 2020 đang đến gần, theo đó nhiệm vụ "đi trước, về đích trước" trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Tp.Hồ Chí Minh càng nặng nề hơn. Tuy nhiên kết quả kinh tế thành phố 7 tháng đầu năm đã mang lại nhiều phấn khởi và niềm tin cho nhân dân thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung. Dù được dự báo những tháng còn lại vẫn còn nhiều khó khăn thách thức nhưng với những giải pháp và điều hành năng động, Tp. Hồ Chí Minh vững tin sẽ sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đồng thời phấn đấu đến năm 2020 trở thành thành phố hiện đại, phát triển nhanh, năng động, xứng đáng với sự tôn vinh “Thành phố mang tên Bác”.

Hồng Hà