BẾN TRE

Xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến

15:43:53 | 24/3/2011

“Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân”, đây là mục tiêu của ngành nông nghiệp Bến Tre trong những năm tới.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Bến Tre là tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp rất đa dạng do đặc điểm tự nhiên, với ba vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt khác nhau, cộng với đặc điểm nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lao động thủ công năng suất thấp. Chính vì vậy, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng có những đặc thù riêng. Theo ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre thì trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã tập trung đầu tư nghiên cứu, chuyển giao những thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất giống (lúa, ca cao, rau- màu, bò, heo, thủy sản,…), sử dụng các sản phẩm vi sinh hữu ích để thay thế hóa chất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất; ứng dụng công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã ứng dụng các quy trình, mô hình canh tác tiên tiến, an toàn như ba giảm-ba tăng, IPM, sản xuất trái cây nghịch vụ, sản xuất rau an toàn, trồng rau màu luân vụ trên đất lúa, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi kết hợp sản xuất khí sinh học, trồng xen cây ca cao trong vườn dừa, nuôi xen tôm cá trong vườn dừa và ruộng lúa; …và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần quyết định trong việc chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh tập trung, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Năm 2010 vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết diễn biến phức tạp, nhờ ứng dụng những khoa học tiến bộ, các chỉ tiêu cơ bản trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,... đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Sản lượng lúa đạt 366.810 tấn, mía 460.056 tấn, dừa 420.212 tấn, cây ăn quả 318.470 tấn. Diện tích nuôi thủy sản 42.490 ha, tổng sản lượng thủy sản 285.263 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 168.148 tấn, khai thác 117.116 tấn. Giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản tăng khá nhanh, đạt 5,08% năm, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà lên 10,19% năm, đời sống người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới.

Lĩnh vực trồng trọt chuyển dịch theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Cơ cấu giống lúa được chuyển đổi theo hướng có năng suất, chất lượng, giống có sức đề kháng sâu bệnh tốt và chịu mặn cao. Cây màu phát triển khá mạnh với các hình thức chuyên canh trên đất giồng cát và luân canh theo hướng đưa cây màu xuống ruộng (hai vụ lúa – một vụ màu), năng suất, hiệu quả khá cao. Diện tích trồng mía giống mới có năng suất và chữ đường cao tăng nhanh, chiếm trên 70% tổng diện tích mía toàn tỉnh.

Cây dừa là một trong những thế mạnh của tỉnh vẫn được ưu tiên phát triển mạnh. Diện tích trồng dừa khoảng 51.300 ha, các dự án trồng mới 5.000 ha, thâm canh 1.000 ha dừa, mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa, đặc biệt là dự án trồng xen 10.000 ha ca cao trong vườn dừa đang phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; Vườn cây ăn trái tiếp tục được chuyển dịch theo hướng chuyên canh các loại cây đặc sản giá trị cao, các mô hình sản xuất an toàn như Global GAP, Viet GAP, mô hình liên kết sản xuất dọc nhằm tạo ra một lượng lớn hàng hóa chất lượng tốt, kích c đồng đều phục vụ chế biến xuất khẩu đang được triển khai nhân rộng.

Trong năm qua, chăn nuôi phát triển khá mạnh, đàn gia súc phát triển theo hướng chất lượng và hiệu quả cao, tỷ lệ heo lai kinh tế chiếm trên 95% tổng đàn, đàn bò tiếp tục phát triển về số lượng lẫn chất lượng, tỷ lệ Zebu hóa đạt trên 70% tổng đàn. Tóm lại, đàn gia súc, gia cầm đang phát triển mạnh theo hướng trang trại tập trung, an toàn sinh học, đã tạo hiệu quả kinh tế cao đi đôi với giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và quản lý tốt dịch bệnh.

Thủy sản – mũi nhọn xuất khẩu

Năm 2010 xuất khẩu thủy sản của cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn, thách thức, song xuất khẩu thủy sản vượt lên hoàn thành kế hoạch với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2009. Riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Bến Tre chỉ đạt 57,6 triệu USD, bằng 87% so với cùng kỳ.

Theo ông Phong Hải, năm qua lĩnh vực nuôi thủy sản trong tỉnh đạt được những kết quả rất khả quan, nhất là đối tượng tôm biển, diện tích nuôi tăng, chi phí sản xuất được cải thiện, diện tích thiệt hại thấp, giá tôm thương phẩm ổn định ở mức cao nên tỷ suất lợi nhuận và hiệu quả rất cao. Đây cũng là kết quả của việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát chất lượng giống, quản lý môi trường vùng nuôi, quản lý lịch thời vụ, phát triển hình thức quản lý cộng đồng.

Tiếp theo là đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, con nghêu Bến Tre được “lên hương sau khi được Hội đồng biển Quốc tế cấp chứng nhận MSC, thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá nghêu thịt tăng từ 16.000đ/kg năm 2009 lên 30.000đ/kg năm 2010. Mô hình quản lý khai thác nghêu bền vững theo hình thức cộng đồng tiếp tục được củng cố và phát triển, doanh thu, lợi nhuận của các hợp tác xã quản lý, nuôi trồng, khai thác nghêu tăng lên đáng kể.

Bến Tre có lợi thế rất lớn về nguồn nguyên liệu thủy sản sạch, phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhiều loại sản phẩm đã được chứng nhận chất lượng như Global GAP cá tra, nghêu MSC. Do nằm gần vùng sản xuất nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khi cầu Rạch Miễu và cầu Hàm Luông hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp các nhà máy rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm bớt chi phí, đảm bảo chất lượng nguyên liệu; tất cả các nhà máy đều đầu tư xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu cho riêng mình, cung cấp từ 40-70% nhu cầu sản xuất của nhà máy. Đa số các nhà máy đã đầu tư công nghệ tương đối hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu, giúp thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản ngày càng được mở rộng;…

Bên cạnh những thuận lợi, theo ông Phong Hải, thời gian qua lĩnh vực chế biến thủy sản của Bến Tre cũng gặp không ít khó khăn. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu dùng và giá cả đầu ra sản phẩm thủy sản không tăng, trong khi đó các rào cản thương mại của nước nhập khẩu ngày càng gia tăng. Ngoài ra, do sự sắp xếp lại của Công ty cổ phần XNK Lâm thủy sản Bến Tre, Bến Tre chưa có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, nhất là chế biến tôm, do đó việc thu hút đầu tư chế biến thủy sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Các nhà máy hiện có chỉ tập trung vào sản xuất 2 đối tượng chính là nghêu và cá tra nên kim ngạch xuất khẩu không cao; năng lực quản lý của các nhà điều hành doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản còn hạn chế, không tích cực mở đường đổi mới công nghệ, sản xuất mặt hàng mới, mặt hàng có giá trị gia tăng; hoạt động xúc tiến thương mại chưa đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ hội nhập do thiếu kinh phí và cán bộ có trình độ chuyên sâu.

Để nghề nuôi thủy sản Bến Tre phát triển ổn định, ngành nông nghiệp đã tập trung công tác xây dựng và quản lý phát triển nuôi theo quy hoạch, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi thủy sản tập trung, tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường, thực hiện tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình để nhân rộng, phát triển hình thức quản lý cộng đồng trong nuôi thủy sản, hỗ trợ kinh phí xét nghiệm chất lượng giống bằng phương pháp PCR, kinh phí tiêu hủy mầm bệnh ngăn chặn có hiệu quả không để bệnh phát sinh thành dịch trên diện rộng.

Thế Cường