HÀ GIANG

Huyện Vị Xuyên: Tập trung phát triển các thế mạnh

16:48:51 | 2/8/2011

Vị Xuyên là huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang, tiếp giáp với huyện Ma Ly Pho tỉnh Vân Nam – Trung Quốc. Huyện có đường biên giới dài 329,3km và có cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy. Tận dụng những lợi thế sẵn có, Vị Xuyên đang phát huy mọi nguồn lực đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển.

Tận dụng lợi thế

Huyện Vị Xuyên được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên khoáng sản, dưới lòng đất có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác. Nhiều mỏ quặng trữ lượng lớn, hàm lượng cao được phân bố trên khắp địa bàn huyện như quặng sắt, mangan, chì – kẽm… ngoài ra còn có các loại quặng quý hiếm khác như vàng. Hệ thống sông suối phân bố đều, lưu lượng nước phù hợp cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Trong thời gian tới, huyện tập trung phát triển công nghiệp có lợi thế như thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của nhân dân địa phương.

Lâm nghiệp cũng là một lĩnh vực được Vị Xuyên tập trung phát triển. Trong năm 2011, huyện dự kiến trồng mới thêm 2500 ha rừng (trong đó nhân dân trồng 500 ha). Tiếp tục vận động, hỗ trợ nhân dân trồng, cải tạo rừng nghèo kiệt; đẩy nhanh việc rà soát, quy hoạch diện tích trồng cao su tập trung tại 3 xã Trung Thanh, Linh Hồ, Phú Linh. Toàn huyện phấn đấu năm 2011 trồng thêm 500 ha cao su mới, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho bà con trong huyện.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để chủ động thu hút đầu tư, nắm bắt thời cơ tạo đà phát triển, trong thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhanh chóng hoàn thiện khu công nghiệp Bình Vàng, cụm công nghiệp Tùng Bá, Trung Thành và đưa vào hoạt động. Hoàn thành quy hoạch trung tâm các xã, thị trấn, đối với thị trấn Vị Xuyên phấn đấu đến năm 2012 đạt tiêu chí đô thị loại IV. Huyện cũng sẽ tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các nhà máy thủy điện như Suối Sửu 1, 2; Thanh Thủy 1,2; Sông Lô 2,3,4… Tập trung ưu tiên cung ứng hóa 100% các tuyến đường đến trung tâm xã, phấn đấu đến năm 2015 trên 60% thôn bản có đường trải nhựa hoặc bê tông hóa. Mặt khác, huyện thực hiện phát triển đồng bộ, mạnh mẽ các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch vận tải, viễn thông, đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, các cửa khẩu tiểu ngạch, các chợ nông thôn.

Về nông nghiệp, huyện chú trọng chuyển dịch mạnh cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa, ngô, cải tạo thâm canh chè san tuyết, chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su… tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại. Huyện phát triển mạnh các loại hình đào tạo nghề, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% vào năm 2015, giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp, tạo việc làm mới cho lao động theo hướng giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động.

Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp được UBND tỉnh ban hành về việc thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2011 của huyện ở mức 18% trở lên.

PV