HÀ TĨNH

TIC và hành trình tái cơ cấu cổ đông

12:23:30 | 14/9/2011

Khi mới thành lập, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) đảm nhiệm đại dự án khai mỏ Thạch Khê với sự hào hứng từ cổ đông và kỳ vọng của không chỉ riêng Hà Tĩnh. Nhưng việc cổ đông nợ vốn đã đẩy TIC vào tình trạng khó khăn, dư luận đang quan tâm tới việc thoái vốn, chuyển nhượng của một sổ cổ đông trong TIC. Tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Hồ Đức Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê.

Khi khởi động dự án thì các cổ đông đều rất háo hức, nhưng nay TIC lại hứng chịu rất nhiều lời than phiền. Ông cảm thấy gì?

Bản thân tôi rất xót xa. Khi thực hiện rất khí thế nhưng rồi khó khăn chung của kinh tế đã làm cho các cổ đông kiệt sức, người dân mất dần lòng tin. Vấn đề ở đây là các cổ đông không được dây dưa nợ vốn của dự án, nếu không làm thì phải thoái vốn để thay thế bằng các cổ đông khác.

Chịu sức ép rất lớn từ dư luận, ông chống chịu thế nào?

Là người chịu trách nhiệm chính tại TIC, vấn đề sức ép là khó tránh khỏi, khi kỳ vọng quá lớn thì áp lực cũng đè nặng lên vai. Để vượt qua thì chỉ có bằng nghị lực và điều quan trọng là phải bình tĩnh xem xét việc gì có lợi cho doanh nghiệp, cho nhân dân thì mình làm.

TIC mong chờ gì từ chính quyền và người dân?

TIC mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của nhân dân và địa phương, xin đừng vội vàng, hãy chia sẻ cùng doanh nghiệp. Các vấn đề về an sinh xã hội vùng giải phóng mặt bằng, TIC sẽ nỗ lực giải quyết trong điều kiện tài chính cho phép.

Tình trạng nợ đọng vốn của các cổ đông là khởi nguồn cho mọi khó khăn của TIC, ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Hiện tại tổng đầu tư cho dự án cần khoảng 2 tỷ USD, nhưng trên thực tế số vốn từ các cổ đông chỉ khoảng 2400 tỷ đồng còn lại là vốn vay ngân hàng. Từ năm 2010 trở lại tình hình kinh tế gặp khó khăn, điều này đã có tác động lớn đến các cổ đông dẫn tới việc các cổ đông nợ vốn. Với TIC, chỉ riêng việc trả lãi suất tiền vốn dư trong cổ đông (13- 14% năm) cũng là một vấn đề chứ chưa nói đến việc trả lãi suất ngân hàng. Vay vốn ngân hàng là rất khó vì TIC chưa có một cổ đông nắm quyền chi phối.

Hiện đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng cái nhìn vào TIC?

Đúng vậy, các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm tới mỏ sắt Thạch Khê. Có nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng: Chỉ cần được góp vốn thì ngay lập tức họ sẽ giải ngân 6500 tỷ để đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng Chính phủ xác định mỏ sắt Thạch Khê là của Việt Nam và phục vụ cho lợi ích của người Việt Nam cho nên có khó khăn thì chúng ta cùng giải quyết.

Vậy, chúng ta cần một giải pháp để tái cơ cấu lại cổ đông, thưa ông?

Trong tình hình hiện nay, theo tôi những cổ đông nào có đủ năng lực, kinh nghiệm thì tham gia và tham gia phải có trách nhiệm còn không thì phải thoái vốn. Ngoài ra cần phải thu hồi vốn các cổ đông đã đăng ký nhưng không góp vốn; thu hút vốn từ cổ đông bên ngoài. Chính quyền cũng cần có văn bản để hỗ trợ việc tái cơ cấu cổ đông.

Chúng tôi mong muốn được nới rộng quyền bán quặng nguyên khai để có kinh phí trang trải cho các hoạt động trước mắt, bảo tồn doanh nghiệp. Nếu không có vốn thì mọi việc đều sẽ đình trệ.

Và dư luận đang rất quan tâm tới việc Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) sẽ nắm cổ phần chi phối?

Chính phủ đã có chủ trương này, lãnh đạo Tập đoàn cũng đã khẳng định quyết tâm nắm cổ phần chi phối tại TIC (khoảng 51% cổ phần). Nhưng cách nhận chuyển nhượng các cổ phần đã thoái vốn như thế nào thì phải làm đúng luật, các bên phải thương thảo với nhau để đưa đến sự thống nhất. Tập đoàn TKV cũng đã có những buổi làm việc với các cổ đông nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển nhượng nói trên. Khi TKV nắm được cổ phần chi phối TIC sẽ giải quyết được tình trạng thiếu một đầu tàu, một thủ lĩnh thực sự cho sự phát triển.

Và ông tin TIC sẽ vượt qua được thử thách trước mắt?

Không phải là một sớm một chiều nhưng tôi luôn tin TIC sẽ vượt qua thử thách. Mặc dù sự kỳ vọng, hối thúc từ chính quyền, nhân dân rất lớn nhưng xét về góc độ khai thác mỏ thì yếu tố cần nhất vẫn là thời gian. Có thời gian, TIC sẽ thành công!

PV

Các tin khác