Khối di sản vật chất và văn hóa mà Thừa Thiên Huế đang sở hữu là độc nhất vô nhị, là tiền đề để phát triển nhưng trong một chừng mực nào đó lại khiến cho người Thừa Thiên Huế băn khoăn. Ngay đến bây giờ nhiều người vẫn đang hỏi: Nên giữ nguyên cả xứ Huế như những gì đang có, hay nhanh chóng bứt phá? Hoặc làm gì để dung hòa giữa phát triển và bảo tồn...
Cần phát triển Công nghiệp
Dự án khu du lịch Đồi Vọng Cảnh là một ví dụ. Năm 2005, Công ty Cổ phần du lịch Hương Giang đầu tư dự án du lịch Đồi Vọng Cảnh, ngay lập tức những người yêu Huế, báo giới lập tức lên tiếng bày tỏ những quan ngại về dự án này. Áp lực của dư luận buộc dự án này phải đình chỉ, mặc cho những người nhiệt tâm vẫn cho rằng đó là một đóng góp đối với xứ Huế cả trên bình diện kinh tế, lẫn bảo tồn di sản.
Huế thành phố nói riêng và cả xứ Huế nói chung có cái lợi thế trong phát triển du lịch đó là điều không ai có thể bàn cãi. Số lượng khách sạn hạng sang (4, 5 sao) ở Huế có thể nói là đứng đầu bảng tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, nhưng vẫn lại nhưng nhiều du khách đã lựa chọn tour du lịch nghỉ tại Đà Nẵng và thăm quan tại Huế.
Lấy thử bài toán để so sánh. Bình Dương, một nơi người ta biết đến các khu Công nghiệp nhiều hơn là các danh thắng hay các khối di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Năm 2010, số lượng khách du lịch đến tỉnh này là khoảng 3.350.000 lượt, doanh thu đạt trên 505 tỷ đồng, trong khi đó tại Thừa Thiên Huế con số này vào năm 2011 (số liệu tính đến tháng 11) ước đạt 623.000 lượt khách và tổng doanh thu đạt 280 tỷ đồng.
Kinh tế phát triển tất yếu sẽ dẫn tới du lịch bứt phá và ngược lại. Doanh nhân Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Trung Quý cho rằng: “Thừa Thiên Huế cần phải phát triển công nghiệp, bởi chính công nghiệp sẽ đem du khách đến cho tỉnh nhà”. Đã đến lúc Thừa Thiên Huế không chỉ tính đến đối tượng du khách những người đến Cố đô cảm nhận Văn hóa xứ Huế mà còn phải tính đến khách du lịch là doanh nhân, chuyên gia trong chính các Khu công nghiệp.
Cơ hội kinh doanh thịnh vượng
Trong khi một số địa phương ở khu vực Miền Trung đặc biệt là Bắc Trung Bộ đang ầm ầm khởi động những dự án giàu tham vọng với số vốn đầu tư FDI hàng tỷ USD, thì Thừa Thiên Huế vẫn rất kén chọn. Điều này dẫn tới hệ quả người ta nhắc đến Thừa Thiên Huế với hai ngành công nghiệp Bia và Xi măng. Nhưng yêu cầu của sự phát triển và đặc biệt là từ chính đích đến là thành phố Trực thuộc Trung ương trước năm 2015 sẽ hối thúc tỉnh này.
Sáu khu công nghiệp (KCN) với diện tích gần 2.200 ha đều được đưa về địa bàn nông thôn, đặc biệt là những vùng không có lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Có thể nói, Thừa Thiên Huế một mặt đã bảo tồn khối di sản của mình, đồng thời đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại nông thôn. Ưu đãi đầu tư vào KCN là tối đa, trong quá trình mở rộng KCN Phú Bài, người Huế đã tính đến sự gắn kết giữa Công nghiệp và Trung tâm Thương mại – Dịch vụ. Từ KCN, công nghiệp Thừa Thiên Huế đang vượt ra khỏi hai lĩnh vực truyền thống, củng cố thêm nội lực cho thành phố Thừa Thiên Huế trong một tương lai gần.
Trong khi đó ở phía Nam của tỉnh, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô nơi được mệnh danh là “Kén chọn dự án” đã cấp giấy phép đầu tư cho 33 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 31 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án lớn là khu phi thuế quan của Tập đoàn đầu tư Sài Gòn đã khởi công xây dựng với số vốn hơn 1 tỷ USD và dự án du lịch của tập đoàn Bayan Tree – Singapore đang xây dựng trên diện tích 300 ha.
Huế vẫn là Huế, bên kia là Cố Cung, Đại nội, bên này là các phố thương mại sầm uất. Và cầu Tràng Tiền đóng vai trò kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa Cố đô và một thành phố năng động hơn. Vẫn còn nhiều điều để nói về Thừa Thiên Huế, hay quá trình thu hút đầu tư ở đây và đôi khi doanh nghiệp vẫn còn có những than phiền. Nhưng 700 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới (vốn đăng ký 6.000 tỷ đồng); 42 giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài (tổng số vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD) đang chứng tỏ cơ hội kinh doanh thịnh vượng cho những ai biết nhìn vào thị trường này.
Thừa Thiên Huế đã xây dựng cơ chế một cửa liên thông, thực hiện một cửa liên thông giữa 3 ngành: Sở Kế hoạch-Đầu tư, Công an và Cục thuế, theo đó doanh nghiệp chỉ kê khai một lần và đến một nơi duy nhất là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Kế hoạch-Đầu tư để nhận giấy đăng ký kinh doanh trong vòng 6 ngày. |
Phan Quang