Trong năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bằng đường lối phát triển đúng đắn, Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng đạt 13%, thu ngân sách đạt gần 3.500 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 17,8%. Với kết quả đó, kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Nhắc đến Đắk Lắk không thể không nhắc đến cà phê bởi đây là tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước với trên 174.740 ha. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk – thành phố Buôn Ma Thuột, từ lâu đã được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Không chỉ nổi tiếng về cà phê, Đắk Lắk còn được biết đến với những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao như điều, cao su, ca cao, các vùng trồng rau… Ngành nông nghiệp đã phát huy được tiềm năng, khẳng định là một trong những lĩnh vực có đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh. Giá trị tổng sản phẩm ngành nông nghiệp chiếm khoảng 46% tổng giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của ngành nông nghiệp chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh.
Ngành công nghiệp – TTCN cũng đã có những bước phát triển. Trên địa bàn có hàng nghìn cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó kinh tế tư nhân cũng có đóng góp to lớn. Một số ngành hoạt động ổn định và có mức tăng trưởng tốt như: sản xuất ván nhân tạo, đồ gỗ xuất khẩu, chế biến cà phê, sản phẩm bê tông, hàng thủ công mỹ nghệ, dây chuyền chế biến nông sản, cán thép nguội, v.v…
Đắk Lắk cũng thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP của tỉnh. Tỉnh đã quan tâm quy hoạch phát triển ngành công nghiệp - TTCN nhằm nâng cao giá trị sản xuất của ngành, tạo việc làm cho người lao động. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, tạo điều kiện để ngành công nghiệp - TTCN của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm qua. Với những gì đã đạt được, Đắk Lắk phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng thời kỳ 2011 - 2015 đạt 19,5 - 20%/năm; thời kỳ 2016 – 2020 đạt 19 - 20%/năm. Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng 34 - 35% trong GDP.
Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ, ngân hàng ngày càng phát triển đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân trong việc mua sắm tiêu dùng. Công tác chăm sóc sức khỏe cũng được tỉnh chú trọng, tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như nâng cao trình độ CBCNV trong ngành, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Công tác giáo dục cũng được chú trọng, xây dựng nguồn nhân lực trên địa bàn. Đời sống nhân dân ngày càng được tăng cao.
Trong năm 2011, Đắk Lắk cũng tích cực thực hiện cắt giảm đầu tư công. Tỉnh đã cắt giảm 185 công trình với tổng số vốn là hơn 177 tỷ đồng được điều chuyển bổ sung cho các công trình chuyển tiếp hoàn thành trong năm. Biện pháp mạnh hơn nữa là UBND tỉnh đã thu hồi 10 dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ để thu hút các nhà đầu tư khác. Song song với đó, các cơ quan, đơn vị đã rà soát lại dự toán chi và cắt giảm các khoản kinh phí cho những việc chưa thật sự cấp bách; toàn tỉnh đã tiết kiệm được hơn 84 tỷ 300 triệu đồng.
Cùng với thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Đắk Lắk cũng đẩy mạnh chính sách khuyến khích xuất khẩu, với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, điều, hồ tiêu. Các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu cà phê nói riêng đã được hưởng đầy đủ các ưu đãi về tín dụng; thủ tục hành chính trong lĩnh vực này từng bước được cải thiện, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong thực hiện chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Lắk thường xuyên kiểm soát hoạt động huy động vốn và lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm là gần 11%, tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng dư nợ năm qua đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Được biết, trong thời gian tới Đắk Lắk định hướng ưu tiên đầu tư và phát triển công nghiệp đối với ngành kinh tế mũi nhọn là trồng và khai thác các loại nông sản, cây công nghiệp; chế biến và xuất khẩu nông sản như mì, bắp…; sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao…; các ngành kinh tế như điện lực, xây dựng, nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ và ngành nghề khác … góp phần phát triển một cách toàn diện hoạt động kinh tế của tỉnh.
Diệu Huyền
10/10/2023
Tòa nhà VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
07-18/11/2023
La Habana, Matanzas (Cuba), Los Angeles, San Jose, San Francisco (Hoa Kỳ)
4/10/2023
Khách sạn Novotel, Số 02 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội