Sau chặng đường 10 năm dựng xây và phát triển, Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã trở thành điểm son trong phát triển khoa học công nghệ của TP. Đến nay KCNC đã thu hút được nhiều tập đoàn, công ty CNC có uy tín từ các khu vực phát triển CNC mạnh trên thế giới; tạo ra hình ảnh và một thương hiệu “SHTP”, một địa chỉ đáng tin cậy trong thu hút đầu tư CNC và bước đầu góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. PV Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư-Tiến sĩ Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý SHTP quanh vấn đề này. Hồng Anh thực hiện.
10 năm, KCNC đã hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 1 với thành quả hết sức ấn tượng. Ông có bình luận gì về thành công này không để từ đó tìm ra những bí quyết hoạt động khi giai đoạn 2 của KCNC được phê duyệt?
Qua gần 10 năm, KCNC đã thu hút được 61 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 2,04 tỷ USD; trong đó 25 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất và 12 doanh nghiệp đang xây dựng. Tuy số lượng doanh nghiệp hoạt động chiếm chưa cao trong tổng số nhà đầu tư thu hút vào KCNC nhưng kết quả này đã cho thấy KCNC bước đầu thành công trong lĩnh vực thu hút, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, góp phần cho thành quả chung đạt được của KCNC trong thời gian qua. Với 25 doanh nghiệp hoạt động bước đầu đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu xuất khẩu của TP. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC tăng đều qua các năm, trong đó năm 2011 là 1 tỷ USD (riêng Intel đạt 450 triệu USD) và đã tạo mới, giải quyết được trên 17.000 việc làm, lao động; góp phần thay đổi diện mạo của khu vực Đông Bắc TP và khu vực quận 9. Do đó có thể kỳ vọng vào thời gian tới khi số doanh nghiệp đi vào hoạt động nhiều hơn.
Từ thực tiễn phát triển của giai đoạn 1, giai đoạn 2 chúng tôi sẽ chú trọng nhiều hơn đến vấn đề cải thiện môi trường đầu tư thông qua các cơ chế chính sách, quy trình và thủ tục một cửa - tại chỗ để giải quyết kịp thời và nhanh nhất các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư. Sẵn sàng đáp ứng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho doanh nghiệp triển khai dự án, đi vào hoạt động. Ngoài ra chúng tôi cũng tính tới chuyện nâng cao khả năng đáp ứng các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho nhu cầu sản xuất của nhà đầu tư để phát huy tính lan tỏa của dự án đầu tư KCNC thu hút được.
Cơ chế gọi vốn KCNC giai đoạn 2 sẽ như thế nào, thưa anh?
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vài năm trở lại đây đã ảnh hưởng sâu sắc đến dòng tiền đầu tư của nước ngoài vào KCNC. Trong điều kiện hiện khó khăn về tài chính như hiện nay, trong giai đoạn tới, ngoài nguồn vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng trọng yếu, BQL KCNC sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế vốn đầu tư cho giai đoạn 2 để chủ động huy động mạnh mẽ nguồn lực tài chính bằng nhiều hình thức. Qua đó từng bước bổ sung nguồn vốn và điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước phù hợp với chính sách khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng các khu chức năng trong KCNC.
Ông có đánh giá gì về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong KCNC, nhất là giá trị gia tăng của các doanh nghiệp?
Hoạt động của doanh nghiệp tại KCNC được chia làm một số nội dung chính để đánh giá: Sản phẩm công nghệ khi doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án và giá trị gia tăng của sản phẩm đó tại KCNC; tỷ lệ vốn đã triển khai trên tổng mức vốn đã đăng ký khi đầu tư; tình hình xuất nhập khẩu; đầu tư cho nghiên cứu – triển khai (R&D)… Giá trị đầu tư 2,04 tỷ USD đã tạo ra hình ảnh khu công nghiệp sản xuất sản phẩm CNC.
Tuy nhiên đáng chú ý hiện nhiều doanh nghiệp tạo ra sản phẩm CNC nhưng giá trị gia tăng tạo ra không cao. Dẫn chứng điều này, có doanh nghiệp thâm dụng lao động rất lớn, mà doanh nghiệp CNC sử dụng quá nhiều lao động giản đơn thì rất cần suy nghĩ. Các sản phẩm CNC như động cơ siêu nhỏ cho xe hơi nhưng tất cả nghiên cứu, thiết kế đều được làm tại Nhật, nhập về lắp ráp tại KCNC rồi xuất. Điều này cho thấy giá trị gia tăng trên sản phẩm tại KCNC rất thấp. Có thể nói giá trị gia tăng đích thực của các doanh nghiệp đang khai thác tại KCNC hiện nay là sức lao động.
Ông có thể chia sẻ thêm về định hướng hoạt động của KCNC trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm Khoa học – công nghệ của cả nước và khu vực?
Giai đoạn tới, chúng tôi tập trung xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn có công nghệ nguồn và tranh thủ nhanh chóng tiếp cận, tiếp thu công nghệ hiện đại để rút ngắn khoảng cách, đóng góp thiết thực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của TP và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
KCNC cũng sẽ định hướng, dẫn dắt cho các khu vực, ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ trong việc cung cấp các nguồn nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu để phát huy tính lan tỏa của dự án sản xuất CNC tại KCNC, TP nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời đẩy mạnh và phát huy năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật để từng bước xây dựng và nâng cao năng lực nội sinh, làm chủ và tiến tới sáng tạo công nghệ nhằm tạo lập cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho sự nghiệp CNH – HĐH.
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI