Dù trong khó khăn chung của nền kinh tế, song huyện Châu Thành, Kiên Giang, cũng đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế-xã hội năm 2012 và đang phấn đấu đạt tiếp các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2013.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 của huyện Châu Thành vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Một số lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương mại, … đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách do huyện quản lý được triển khai đúng tiến độ, giao thông nông thôn tiếp tục được thực hiện gắn với chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới...Lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến tốt, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng có nhiều tiến bộ hơn trước, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được tổ chức gắn với kỷ niệm các ngày lễ, Tết, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng...
Sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong năm 2012 được cụ thể qua các con số như tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) đạt 3.223 tỷ đồng, tăng 16,5% so cùng kỳ, GDP bình quân đầu người 20.840.000đ (khoảng 1.900 USD, tăng 15,15% so năm 2011 (đạt bình quân 35 triệu/người/năm). Tỷ trọng cơ cấu kinh tế cũng dịch chuyển tăng lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, trong đó nông nghiệp-thuỷ sản chiếm 23,76% ( giảm 2,84% so năm 2011); công nghiệp-xây dựng chiếm 31,71% (tăng 3,2% so năm 2011); thương mại - dịch vụ chiếm 44,53% ( giảm 0,29% so năm 2011).
Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng lúa năm 2012 của huyện đạt 49.355 ha, tăng 536 ha so năm 2011, năng suất bình quân 6,250 tấn/ha/năm, tăng 0,237 tấn/ha; sản lượng 308.466/298.408 tấn, đạt 103,37% kế hoạch cả năm, tăng 14.930 tấn so năm 2011.
Về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, toàn huyện hiện có 362 phương tiện, tăng 29 phương tiện. Sản lượng khai thác 55.514/52.000 tấn tôm, cá các loại, đạt 105,13% kế hoạch, tăng 5.582 tấn so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước 4.540/4.800 tấn, đạt 94,58% kế hoạch.
Lĩnh vực công nghiệp-TTCN và thương mại dịch vụ của huyện cũng phát triển trong năm 2012, giá trị sản xuất ước đạt 2.702 tỷ đồng, đạt 100,07% kế hoạch, tăng 13,87% so cùng kỳ. Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, đến nay có 2.888 hộ đăng ký kinh doanh với tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra là 4.400 tỷ đồng, đạt 101,1% so kế hoạch, tăng 22,29% so cùng kỳ.
Năm học 2012 – 2013, huyện cũng đã duy trì tốt công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đến tháng 11/2011 các xã, thị trấn tiếp tục được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân cũng được thực hiện tốt, trong đó tập trung thực hiện việc khám chữa bệnh và các chương trình y tế quốc gia, củng cố và xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở. Đến nay toàn huyện có 9/10 trạm y tế đạt chuẩn và 69 tổ y tế đạt 100% các ấp, khu phố đều có Tổ y tế; quản lý 110 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân…
Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, đạt được những kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các Sở, ngành và sự lãnh đạo của Huyện uỷ, đồng thời trong quá trình quản lý và điều hành công việc UBND huyện đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường đi cơ sở và kịp thời xử lý những phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Các ngành chuyên môn trực thuộc UBND huyện cũng đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ, có sự phối, kết hợp khá chặt chẽ trong công việc, đặc biệt là được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân trong huyện, từ đó nhiệm vụ đặt ra được triển khai và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả khá cao.
Trong năm 2013, huyện Châu Thành cũng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 16,5% trở lên so năm 2012, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hoá để tham gia thị trường, phát triển thêm các ngành dịch vụ…
Cụ thể, huyện sẽ đạt các chỉ tiêu như có tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 16,5% trở lên. ngành nông nghiệp - thuỷ sản tăng 4% . ngành công nghiệp - xây dựng tăng 28%, ngành thương mại - dịch vụ tăng 15%. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế: nông nghiệp - thuỷ sản chiếm 21,19%, công nghiệp - xây dựng chiếm 34,93%, thương mại - dịch vụ chiếm 43,88%. GDP bình quân đầu người đạt 24.013.000đ/năm (tương đương 2.185 USD/năm), GDP bình quân đầu người đối với nông dân là 19.000.000đ (950 USD).
Trong nông nghiệp, huyện tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp theo quy hoạch vùng, khảo sát xây dựng thêm mô hình cánh đồng mẫu lớn, định hướng phát triển các loại cây trồng vật nuôi theo hướng bền vững và hiệu quả; Đối với đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, huyện triển khai thực hiện tốt các chính sách hiện hành trong việc hỗ trợ và khuyến khích ngư dân; Trong lĩnh vực công nghiệp-TTCN, huyện sẽ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhằm mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng, chủng loại hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Song song đó huyện cũng sẽ phối hợp với ngành của tỉnh định hướng để khôi phục lại một số ngành nghề truyền thống của địa phương...
Tùng Linh
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI