Đông Triều tự hào là vùng đất “địa linh – nhân kiệt” có lịch sử, văn hóa lâu đời với 133 di tích văn hoá, lịch sử. Trong số đó có 8 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia và 17 di tích được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Nổi bật nhất là hệ thống di tích gắn liền với lịch sử Nhà Trần – Di tích vừa qua đã được Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia thông qua hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là tiềm năng và động lực mạnh mẽ để Đông Triều đưa vào khai thác, phát triển dịch vụ du lịch văn hoá - tâm linh, thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội theo mô hình “Kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”...
Ông Trần Văn Vinh – Phó chủ tịch UBND huyện Đông Triều cho biết: “Cùng với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2014 huyện cơ bản hoàn thành đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đủ điều kiện đề nghị thành lập thị xã Đông Triều thì khai thác, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa tâm linh, cách mạng trên địa bàn, đặc biệt là Khu di tích lịch sử văn hóa Nhà Trần được xem là ba nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ 2011 – 2015 của Huyện.
Vì thế, trong những năm tới, hướng đội phá của địa phương trong phát triển kinh tế sẽ là nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ chất lượng cao như phát triển du lịch sinh thái, kết hợp du lịch tâm linh, du lịch làng quê, gắn với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trên địa bàn. Đông Triều sẽ đầu tư, tôn tạo các hạng mục di tích, xây dựng các tuyến du lịch tâm linh, kết nối hệ thống lăng mộ nhà Trần với hệ thống di tích Yên Tử… Đồng thời, đầu tư phát triển, mở rộng các điểm dừng chân du lịch gắn với các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của địa phương.
Để đạt được điều này, huyện Đông Triều cần đẩy mạnh phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng liên quan xây dựng quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt các sản phẩm du lịch chất lượng cao trên, cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời xây dựng cơ chế quản lý cụ thể các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có trên địa bàn, trong đó đặc biệt làm tốt công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch; có kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ... cho những người làm du lịch...
Trong những năm qua, để phát huy những tiềm năng lợi thế về du lịch, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhờ làm tốt công tác “xã hội hóa” huyện đã thu hút được những nguồn lực lớn để trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục công trình di tích và các hạng mục cơ sở hạ tầng liên quan. UBND huyện đã tích cực kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư phát tâm, công đức tu bổ, tôn tạo phục hồi nhiều công trình, nhiều di tích. Trong đó: Tập đoàn An Viên đã đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo 02 tháp khu vực Thông Đàn; kè tuyến đường đi bộ từ cửa phủ Am Trà lên chùa Ngọa Vân dài khoảng 3km, huy động các doanh nghiệp trong và ngoài huyện mở rộng tuyến đường lên chùa Ngọa Vân (phần nền đường) và Tổng Công ty than Đông Bắc ủng hộ xây dựng tuyến đường bê tông từ đập Trại Lốc đến Phủ Am Trà (Ngọa Vân) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 24,5 tỷ đồng, đến nay công trình đã hoàn thành…
Để du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng của Đông Triều thực sự trở thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện, còn nhiều việc cần phải làm trong tương lai. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cùng nhân dân trong và ngoài huyện, tin rằng trong tương lai không xa việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh và du lịch cộng đồng thực sự sẽ đưa du lịch thực sự trở thành “ngành công nghiệp không khói” của địa phương.
Tuấn Việt
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI