Với mạng lưới giao thông được xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng bình quân hàng năm về vận tải hành khách và hàng hóa giai đoạn vừa qua đạt 7,5%/năm cho thấy ngành giao thông vận tải (GTVT) Kiên Giang đã và đang tích cực đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.
Hiện nay, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là 9.358,7km, tỷ lệ nhựa hóa đạt 45,8%, bao gồm: 4 tuyến quốc lộ (QL) với tổng chiều dài qua địa bàn tỉnh 291,8km; 22 tuyến đường tỉnh dài 708km, 70 tuyến đường huyện dài 636,3km và 378 tuyến đường đô thị dài 638,6km. Mạng lưới QL qua địa bàn tỉnh phát triển tương đối hợp lý, hiện đã hình thành trục dọc từ Bắc xuống Nam là tuyến đường hành lang ven biển (QL 80 và 63) và các trục ngang gồm đường N1, QL 61, QL 80 (đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi). Hệ thống đường tỉnh được quy hoạch phát triển theo hai hướng song song và vuông góc với các tuyến QL, tạo điều kiện phát triển hệ thống giao thông đường bộ nông thôn, hòa mạng vào hệ thống đường quốc gia tạo thành các tuyến phòng thủ song song với các tuyến QL.
Về hệ thống đường hàng không, trên địa bàn tỉnh có 2 sân bay chính: Sân bay Rạch Giá - 1 trong 4 sân bay chính của vùng ĐBSCL vừa mới được đưa vào khai thác dân dụng, góp phần hỗ trợ tốt cho sự phát triển KT - XH tỉnh nhà; Sân bay Quốc tế Phú Quốc với tổng diện tích 905,31 ha, hiện đã hoàn thành các hạng mục như đường hạ - cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách…
Cùng với mạng lưới đường bộ, đường hàng không, do đặc điểm của tỉnh thuộc miền sông nước nên Kiên Giang đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới đường thuỷ nội địa và bến cảng. Tổng chiều dài đường sông trên địa bàn tỉnh là 2.707km với 17 tuyến đường thủy do Trung ương quản lý, 51 tuyến đường thủy nội địa địa phương quản lý và nhiều kinh rạch nhỏ. Trong đó hệ thống đường thủy quốc gia có 2 tuyến quốc thủy chính là Tp.HCM - Kiên Lương và Tp.HCM - Cà Mau phục vụ vận chuyển các mặt hàng siêu trường, siêu trọng, các mặt hàng có khối lượng lớn.
Riêng hệ thống cảng biển trên địa bàn được quan tâm đầu tư gồm 5 cảng chính: Dương Đông, An Thới, Hòn Chông, Bình Trị và Rạch Giá. Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Dũng, mặc dù hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trên địa bàn được bố trí hợp lý so với điều kiện tự nhiên song số lượng cảng được đầu tư xây dựng mới còn rất hạn chế. Chính vì vậy trong thời gian tới, ngoài cảng khách - cảng du lịch và cảng xếp dỡ chuyên dùng, tỉnh cũng sẽ quan tâm đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa bởi đây là đầu mối quan trọng trong vận tải đường thuỷ nội địa, phục vụ cho giao lưu vận chuyển hàng hoá hành khách giữa đường thuỷ nội địa và các phương thức vận tải khác.
Cùng với mạng lưới giao thông phân bố khá hợp lý, tỉnh Kiên Giang còn chú trọng đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của bà con vùng sâu, vùng xa; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ IX xác định trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, ngành GTVT tỉnh thực hiện mục tiêu: "nhựa hóa 100% số xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm và 60% trở lên số ấp có đường được bê tông hóa". Mục tiêu đến năm 2020, các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư cứng hóa đạt tối thiểu 80%; định hướng sau năm 2020 đạt 100%.
Ông Dũng nhấn mạnh: "Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển, đảm bảo xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo tiền đề cho phát triển KT - XH, đưa Kiên Giang trở thành tỉnh khá và giữ vị trí kinh tế cao trong vùng trọng điểm kinh tế ĐBSCL thì việc hoàn thiện và nâng cấp hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới”.
Kiên Cường
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI