Là huyện vùng cao biên giới phía Bắc, Quản Bạ gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ phát huy tốt thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu vào việc phát triển cây dược liệu, Quản Bạ đã giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, từng bước xóa nghèo bền vững…
Quản Bạ là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước; có độ cao trung bình 900 đến 1.200m so với mực nước biển; địa hình bị chia thành 2 vùng tiểu khí hậu, nhiệt độ trung bình 15 – 20 độ C; tổng diện tích đất tự nhiên là trên 53 nghìn ha; có 12 xã và 1 thị trấn, trong đó có tới 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, góp phần xóa đói, giảm nghèo (XĐGN), đầu năm 2012, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đã quan tâm, tạo điều kiện cho phép Công ty Bình Minh III triển khai Dự án "Rau, hoa, cây dược liệu" tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ). Những giống cây dược liệu đầu tiên được trồng thử nghiệm tại đây như: Thảo quả, Hương thảo, Ấu tẩu, Giảo cổ lam, Atiso, bạch chỉ... đã bén rễ, sinh trưởng và phát triển xanh tươi trên vùng đất Cao nguyên đá. Với quy mô sản xuất khoảng 100 ha, công ty Bình Minh III đã xuống giống khoảng 30 giống dược liệu, trong đó có 20 loại thuộc danh mục dược liệu khuyến khích sản xuất của Bộ Y tế. Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, với mức lương bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
Với những thành công ban đầu của mô hình dự án trồng cây dược liệu tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã xin Chính phủ lập dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tại 6 huyện nghèo 30a và đã được chấp thuận. Dự án này sẽ giải quyết được việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động hằng năm, góp phần tăng mức thu nhập bình quân của tỉnh (mức thu mua dược liệu dự kiến từ 150 đến 200 triệu đồng/ha). Hiện nay, ngoài công ty Bình Minh III, dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn Quản Bạ còn thu hút sự quan tâm, đầu tư của Công ty CP Nam Dược (trụ sở tại Nam Định).
Xác định vai trò của các doanh nghiệp, các nhà khoa học là then chốt, Huyện luôn phối hợp tốt với Cty Bình Minh III và Cty Nam Dược cùng một số tổ chức doanh nghiệp khác tiếp tục có những chính sách ưu đãi cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển Dược liệu trên địa bàn; Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện; tăng cường tuyên truyền làm sao để người nông dân - xuất phát từ lợi ích, hiệu quả kinh tế - phải tự nguyện trở thành đối tác không thể tách rời của doanh nghiệp đầu tư. Huyện phấn đấu năm 2014 phối hợp cùng Cty Bình Minh III và Cty Nam Dược thực hiện trồng mới 300ha cây dược liệu các loại trên địa bàn, trong đó: xã Quyết Tiến 150 ha; Tam Sơn 5 ha; Tùng Vài 75 ha; Thanh vân 2 ha, còn lại là các xã khác. Việc phát triển dự án giúp người dân yên tâm gắn bó với hoạt động nông nghiệp; tạo được thế trận toàn dân và mỗi liên kết chặt chẽ giữa chính quyền và nhân dân trong các hoạch định kế hoạch phát triển.
Bên cạnh đó, sản xuất thành công các sản phẩm dược liệu đặc sản sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách đến thăm quan tại công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Đây được coi là hướng đi đúng đắn có tính khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm đem lại lợi nhuận cao và làm tăng tính ổn định bền vững hệ sinh thái rừng, lại không làm ảnh hưởng đến quỹ đất của cây trồng khác, góp phần tích cực vào công cuộc XĐGN, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện.
Khánh Huyền
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI