Là hình mẫu trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Quảng Ngãi, qua hơn 3 năm triển khai, với cách làm thiết thực và khoa học, phong trào xây dựng NTM ở huyện Nghĩa Hành đã gặt hái những thành quả ban đầu rất đáng khích lệ, góp phần phát triển KT – XH, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
Theo ông Nguyễn Đức On, Chủ tịch UBND huyện, Nghĩa Hành là huyện duy nhất được tỉnh chọn làm huyện điểm trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM; đồng thời cũng là huyện duy nhất trong 13 huyện của tỉnh Quảng Ngãi có 11/11 xã đã phát động, hưởng ứng phong trào "Chung sức xây dựng NTM". Các xã đã tích cực rà soát thực trạng 19 tiêu chí để bám vào thực hiện; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí, từng nhóm tiêu chí và phân công các thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý theo dõi đôn đốc thực hiện.
Nhằm thúc đẩy công tác triển khai và thực hiện có hiệu quả cao, Nghĩa Hành đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã; 11 Ban quản lý Chương trình xây dựng NTM tương ứng với 11 xã, 78 Ban phát triển thôn. Huyện có những cách làm sáng tạo trong công tác chỉ đạo, xây dựng về phê duyệt quy hoạch chung; đến nay đã có 11/11 xã công bố quy hoạch chung. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, trong 9 xã của Nghĩa Hành phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015, hiện có 2 xã đạt 13/19 tiêu chí; 2 xã đạt 11/19 tiêu chí và 2 xã đạt 9/19 tiêu chí. Riêng 2 xã (Hành Tín Đông, Hành Tín Tây) phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 – 2020, đến thời điểm hiện tại cũng đã đạt được 8 tiêu chí.
Hơn 3 năm qua huyện Nghĩa Hành đã huy động gần 949.420 triệu đồng từ nhiều nguồn vốn để tập trung cho Chương trình MTQG xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, Nghĩa Hành đã mở rộng, nâng cấp 115,5 km đường thôn, xã; xây dựng 79 đường làng, ngõ xóm có điện thắp sáng. Điểm nhấn trong phong trào này chính là huyện đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cũng như khơi dậy sức mạnh của nhân dân. Trong 3 năm qua, nhân dân Nghĩa Hành đã tự nguyện hiến gần 12ha đất làm đường giao thông; tháo dỡ 2.107m tường rào, cổng ngõ và hàng ngàn cây cối, hoa màu các loại. Nhân dân còn đóng góp 1.095 công lao động và 16.222 triệu đồng để xây dựng NTM. Đặc biệt huyện tập trung chỉ đạo các xã tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí thành phần cần ít kinh phí nhưng có thể thực hiện ngay như: có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động hiệu quả; xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn văn hóa; phổ cập giáo dục trung học…
Các xã trong huyện đã tập trung quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa theo lợi thế của từng địa phương; mở 38 lớp dạy nghề với 1.315 học viên theo học các nghề; đồng thời lập phương án phát triển sản xuất hiệu quả như: xây dựng cánh đồng lúa giống, mía giống; chăn nuôi gà, nuôi bò...Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cũng đã thẩm định phương án hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nguồn vốn được phân bổ (giai đoạn 2011 - 2015), qua đó giúp các xã triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và cơ giới hóa nông nghiệp.
Nhìn chung việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Nghĩa Hành đã phát huy được hiệu quả. Đến nay 100% xã sử dụng cơ giới hóa khâu làm đất. Nhờ có vốn hỗ trợ sản xuất, nhiều xã đã mua thêm máy băm, tăng tỷ lệ cơ giới hóa nên đã giảm chi phí làm đất 1 ha là 400.000 đồng; góp phần giảm bớt áp lực cho nông dân và gieo trồng đúng lịch thời vụ. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển còn đem lại hiệu quả tích cực, tăng thu nhập cho nông dân, kích thích sản xuất phát triển; trong đó có nhiều mô hình đạt giá trị hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có 55 mô hình kinh tế trang trại được hình thành và phát triển, trong đó có 4 mô hình đạt tiêu chí kinh tế trang trại; sản lượng hàng hóa cao đạt chất lượng và ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ông On cho biết theo kế hoạch, Nghĩa Hành phấn đấu đến năm 2015 được công nhận là huyện NTM. Mục tiêu này đang được cả hệ thống chính trị và người dân trong huyện nỗ lực thực hiện trên quan điểm nhất quán “xây dựng NTM dựa vào sức dân, với cái đích cuối cùng là sự hài lòng của người dân”. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Nghĩa Hành rất mong UBND tỉnh và các sở ngành quan tâm hỗ trợ huyện khắc phục các công trình thủy lợi đảm bảo nước phục vụ sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tăng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa phương, tạo tiền đề phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Công Luận
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI