Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Than Uyên luôn đoàn kết, thống nhất phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, huyện đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn với nền kinh tế phát triển khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng.
Mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp
Với diện tích đất nông nghiệp và đồng cỏ khá lớn gần 40.000 ha, nhất là cánh đồng Mường Than - một trong 4 cánh đồng màu mỡ nổi tiếng khu Tây Bắc “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là tiềm năng không nhỏ cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp nhất là trồng trọt cây lương thực, công nghiệp chè và chăn nuôi gia súc. Chính vì vậy, những năm qua, trong cơ cấu kinh tế của Than Uyên sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển và nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cụ thể hóa bằng Nghị quyết, chương trình, đề án nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như chương trình sản xuất nông sản hàng hóa bằng việc thực hiện các mô hình, hỗ trợ về giống, kỹ thuật trực tiếp người dân. Trong đó, đưa giống lúa mới ĐS1, giống lúa thuần gia lộc, séng cù vào sản xuất nâng cao chất lượng; duy trì 20ha rau màu các loại; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Từ việc hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp đã nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích từ 60 triệu đồng/ha (năm 2011) lên 70 triệu đồng/ha. Hiện nay, nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt đối với chương trình phát triển cây cao su được huyện xác định là chủ trương mới vừa tạo việc làm lâu dài lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế. Do vậy, huyện chỉ đạo cơ quan chuyện môn cùng địa phương tổ chức họp dân tuyên truyền các chính sách phát triển cây cao su. Đến nay, toàn huyện đã trồng 866,3ha cây cao su tại 4 xã: Mường Kim, Mường Mít, Pha Mu, Mường Cang; mở ra hướng thoát nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch
Là một thung lũng lớn khép kín giữa hai núi Phan Xi Păng và Púng Luông, thiên nhiên đã tạo hoá và ban tặng cho Than Uyên những vẻ đẹp tiềm ẩn, hình thành nên nhiều di tích văn hóa hấp dẫn du khách như Di chỉ khảo cổ học Thẩm Đán Chể; Hang Che Bó (xã Mường Than) là một quần thể hang động nằm sâu trong lòng núi dài gần 750 km không chỉ có suối chảy trong vắt thú vị, mùa đông thì ấm áp, hè đến thì mát rượi mà còn nhiều nhũ đá, tượng bụt kỳ ảo; Dòng sông Nậm Mu trong xanh cùng với hang động Tà Gia tạo nên bức tranh “Sơn thuỷ hữu tình”… Bên cạnh đó với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào Thái, Kinh, Mông, Dao... đến Than Uyên du khách sẽ được hoà mình vào không gian văn hoá đa sắc màu của đồng bào các dân tộc thông qua chiêm ngưỡng trang phục, chăn gối, khăn đội với nhiều mô típ hoa văn rực rỡ sắc màu; nghe nhiều truyện cổ dân gian về lịch sử thiên nhiên, non nước con người; tắm mình trong dòng suối dân ca và nhảy múa say sưa trong các điệu “Xoè vòng” người Thái, “Lăm vông” người Lào. Cùng với những giờ phút thăng hoa trong các lễ hội: Xên Mường người Thái, bắt cá người Kháng, cầu mưa té nước người Lự, bảo vệ hồn lúa người La Ha…
Ông Hoàng Văn Hiêng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, hướng tới phát triển dịch vụ du lịch bền vững huyện đã và đang tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch, khai thác thế mạnh riêng của vùng, triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ tính nguyên bản của kiến trúc truyền thống bản địa... Đồng thời, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương chú trọng phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, thắng cảnh, văn hóa tâm linh, cộng đồng… xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng nhằm tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch góp phần từng bước xây dựng huyện Than Uyên ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.”./.
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI