THỪA THIÊN - HUẾ

Huyện Phú Lộc: Vùng kinh tế động lực phía Nam của Thừa Thiên Huế

14:56:17 | 15/8/2017

Với lợi thế vị trí, giao thông thuận tiện, nguồn tài nguyên phong phú và Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc được xác định là vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các cấp chính quyền và nhân dân huyện Phú Lộc đang nỗ lực khơi dậy nội lực, tạo điều kiện cho các dự án trên địa bàn triển khai thuận lợi để sớm hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Tạp chí Vietnam Busines Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện. Ngô Khuyến thực hiện.

Xin ông cho biết một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật của huyện trong năm 2016 - 2017?


Năm 2016, Phú Lộc đạt được những kết quả quan trọng: kinh tế tăng 9,5% so năm 2015 (dịch vụ 11%, công nghiệp - xây dựng tăng 09%, nông nghiệp tăng 03%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng nguồn vốn huy động đầu tư trên toàn địa bàn tăng khá.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% so năm 2016. Mạng lưới chợ tiếp tục phát triển theo quy hoạch; đã xây mới và đưa vào sử dụng 3 chợ Lộc Thủy, Vinh Hiền và Lộc Bổn; đang xúc tiến đầu tư xây dựng chợ Truồi (Lộc An) và chợ La Sơn (Lộc Sơn) theo hình tức BOT... Lĩnh vực du lịch thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia với đa dạng loại hình từ sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh... đến cộng đồng, điển hình là các dự án: Laguna, Vedana Mũi Né, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, các khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô... Hiện trên địa bàn có 7 khu du lịch, resort, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, 7 khách sạn đạt 2 sao.




Hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, mở thêm các tuyến mới, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhiều tuyến đường quan trọng như: ven biển, ven đầm, nội thị đến các trung tâm kinh tế - xã hội các vùng và nhiều công trình trọng điểm được đầu tư và nhiều công trình đã đưa vào sử dụng.

Hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư phát triển, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá. Các công trình kiên cố hóa, tầng hóa hệ trường lớp học theo hướng đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng Nhà máy nước Lộc Trì, Lộc An, Trung tâm y tế dự phòng huyện, Bệnh viện đa khoa Chân Mây… đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất - sinh hoạt của nhân dân.

Ông chia sẻ gì về tiềm năng, thế mạnh và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của huyện Phú Lộc?

Phú Lộc có các địa danh nổi tiếng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Vịnh Lăng Cô; Vườn Quốc gia Bạch Mã; Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, chùa Thánh Duyên... Ngoài ra còn có các điểm như: biển Bình An-Cảnh Dương (xã Lộc Vĩnh); biển Đông Dương-Hàm Rồng (xã Vinh Hiền); di tích lịch sử Hải Vân Quan… Phú Lộc cũng có Cảng Chân Mây, cảng nước sâu có thể đón tàu hàng có tải trọng trên 50.000 DWT và du thuyền có sức chứa trên 5.000 người cập cảng. Cùng với việc được quy hoạch khu công nghiệp (KCN) Chân Mây, KCN La Sơn, cụm công nghiệp Vinh Hưng (20 ha), huyện đã quy hoạch phát triển một số làng nghề như: Sản xuất và chế biến dầu tràm Lộc Thủy; sản xuất và chế biến mắm Phụ An, xã Vinh Hiền…

Trong giai đoạn hiện nay, các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư gồm: 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp (vào KKT Chân Mây-Lăng Cô và KCN La Sơn); 8 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ (KKT Chân Mây-Lăng Cô, Vinh Hiền, Lộc Bình, Lộc Vĩnh, thị trấn Lăng Cô, thị trấn Phú Lộc); 7 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng (KKT Chân Mây-Lăng Cô và KCN La Sơn); 5dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 2 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (KKT Chân Mây-Lăng Cô).

Trong giai đoạn tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ đối với các dự án lớn để có thể đưa vào đầu tư và khai thác như: Khu Du lịch Tân Cảnh Dương; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Lộc Bình; Khu du lịch Bạch Mã...

Từ khi KKT Chân Mây-Lăng Cô hình thành, vùng động lực kinh tế phía nam này đã có bước phát triển nhanh chóng, ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự phát triển này?

Sau khi KKT Chân Mây-Lăng Cô thành lập năm 2006, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư như: hệ thống đường trục chính đến cảng, đến KCN, khu phi thuế quan, khu đô thị, hệ thống cấp điện, cấp nước, các khu tái định cư... Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã và đang triển khai dự án như: Khu du lịch Laguna Lăng Cô do Công ty TNHH Laguna Việt Nam thuộc Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đầu tư với số vốn 875 triệu USD; Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô của Công ty CP đầu tư phát triển Phong Phú… Mạng lưới đường đô thị trong KKT đã cơ bản hoàn thành tạo thuận lợi cho nhân dân trong vùng đi lại, đồng thời góp phần phát triển các điểm dịch vụ du lịch của địa phương thuộc địa bàn KKT.

Song bên cạnh kết quả đạt được cũng cần tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư các dự án lớn về du lịch, đô thị, xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và khu phi thuế quan, đầu tư và khai thác cảng biển; tập trung giải phóng mặt bằng, khẩn trương hoàn thành đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng phải di dời…