10:59:30 | 28/3/2019
Với vai trò là ngành cung ứng tài chính chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, năm 2018 ngành Ngân hàng tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao với một số chỉ tiêu đạt được khá tốt.
Giám đốc NHNN tỉnh Kiên Giang – ông Nguyễn Văn Kiệt cho biết ngay từ đầu năm, tín dụng tăng trưởng khá tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng trong cả năm, đạt 107% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với lợi thế của địa phương, trong đó: cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 20,14% so đầu năm; xuất khẩu tăng 9,52%; DNNVV tăng 16,92%. Một số chính sách tín dụng mới ban đầu triển khai còn lúng túng nhưng đến nay đã bắt đầu đi vào cuộc sống như cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dư nợ đạt 4 tỷ đồng… Nợ xấu được kiểm soát ở giới hạn an toàn; lãi suất huy động được giữ ổn định, giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5%/năm.
Khép lại năm 2018, những con số biết nói như: dư nợ cho vay đạt 68.617 tỷ đồng (tăng 21,21% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng toàn quốc); nợ xấu chiếm 0,8%/tổng dư nợ cũng đã phần nào minh chứng cho vai trò "bà đỡ" của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế Kiên Giang nói chung và cộng đồng các DN, doanh nhân, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nói riêng. Để đồng hành vượt khó cùng DN, trong năm toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu để giúp DN tiếp cận vốn vay; nổi bật là việc duy trì tổ chức kết nối ngân hàng - DN theo hướng: từng TCTD làm việc trực tiếp với DN để phối hợp xem xét giải quyết các nhu cầu, đề xuất, khó khăn, vướng mắc của DN; đối với những trường hợp các nhu cầu, đề xuất của DN vượt quá khả năng đáp ứng của một TCTD, NHNN tỉnh Kiên Giang sẽ chủ trì tổ chức các buổi làm việc giữa các TCTD với DN để bàn giải pháp tháo gỡ.
Trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính đang là khâu đột phá, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, NHNN tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đồng loạt đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng cũng như minh bạch hóa thông tin tín dụng; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt, giải ngân cho vay..., tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong tiếp cận vốn vay; đồng thời tích cực tham gia cùng địa phương trong xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV. Nhờ những nỗ lực này mà đến ngày 31/12/2018, dư nợ cho vay DNNVV trên địa bàn tỉnh đạt 13.797 tỷ đồng, tăng 16,92% so với năm trước. "Với sự nỗ lực đồng hành của chính quyền tỉnh Kiên Giang và ngành Ngân hàng đã giúp khó khăn của DN vơi đi rất nhiều, các DN càng có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp trở lại cho tăng trưởng KT - XH của tỉnh nhà.
Chia sẻ về định hướng phát triển của ngành, ông Kiệt cho biết trong năm "bản lề" 2019 này, ngành Ngân hàng Kiên Giang định hướng tổng nguồn vốn hoạt động tăng 13,5%, vốn huy động tại địa phương tăng 13%, dư nợ cho vay tăng 13% và có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế; kiểm soát nợ xấu không quá 3%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm nay, về phía NHNN tỉnh sẽ bám sát mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNNVN và định hướng phát triển KT - XH của tỉnh năm 2019 để chỉ đạo, điều hành công tác quản lý nhà nước và hoạt động ngân hàng trên địa bàn sâu sát, linh hoạt bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo và giám sát các TCTD tích cực huy động vốn tại địa phương và chủ động cân đối nguồn vốn hoạt động; tập trung mở rộng tín dụng, cung ứng đủ, kịp thời vốn tín dụng phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh theo định hướng nhiệm vụ tín dụng 2019. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao trình độ quản trị rủi ro, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; kết hợp xử lý nợ xấu với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.
Công Luận