KIÊN GIANG

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua phát triển thương mại điện tử

11:01:27 | 28/3/2019

Đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những năm gần đây tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển thương mại điện tử (TMĐT) góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đến nay việc triển khai thực hiện Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT và Kế hoạch số 180/KH – UBND ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh về phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2017 – 2020 đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ.

Theo ghi nhận của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang – ông Ngô Công Tước, thời gian qua TMĐT đã góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế cũng như công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh nhà; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm của tỉnh và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, nhất là trên thị trường quốc tế với chi phí thấp. Thông qua TMĐT giúp cung cấp thông tin sản phẩm hàng hóa nhanh hơn cho khách hàng; đồng thời giúp các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất kinh doanh. Đến nay cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin nói chung, TMĐT nói riêng trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; từ đó quan tâm hơn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản trị DN, khai thác và phát triển thêm thị trường, nhiều khách hàng mới tiềm năng, từng bước nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Một số DN còn chủ động xây dựng website TMĐT bán hàng; tham gia quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trên Sàn giao dịch TMĐT quốc gia….

Có được thành công này là nhờ thời gian qua Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã dành sự quan tâm triển khai thực hiện Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng như Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2017 – 2020. Cụ thể trong công tác phổ biến, tuyên truyền và đào tạo về TMĐT, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục TMĐT&Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) tổ chức 5 lớp tập huấn đẩy mạnh thực thi pháp luật trong TMĐT cho cán bộ quản lý Nhà nước và 4 lớp tập huấn nâng cao hiệu quả kinh doanh trực tuyến về ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (mỗi lớp từ 70 - 80 học viên). Trong công tác phát triển và ứng dụng công nghệ&dịch vụ TMĐT, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, Sở đã triển khai hỗ trợ cho 46 doanh nghiệp xây dựng website TMĐT với tên miền trong nước và quốc tế; thiết lập hệ thống thư điện từ với tên miền dùng riêng của doanh nghiệp; tham gia, quảng bá sản phẩm xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác trên Sàn giao dịch TMĐT quốc gia.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT, Sở Công Thương Kiên Giang có 143 thủ tục hành chính công; tất cả đều đã được tin học hoá trên máy tính; trong đó có 143 dịch vụ công mức độ 2 được cung cấp trực tuyến trên website của Sở với các mẫu đơn, mẫu tờ khai, các quy định về yêu cầu, điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính và đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Ông Tước cho biết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TMĐT trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện đúng quy định của Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ cũng như Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó toàn ngành tập trung triển khai Đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia; nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về TMĐT (Thanh tra, Quản lý thị trường, Công an, Viện kiểm soát, Tòa án). Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh TMĐT ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến.

Ngoài ra ngành Công Thương tỉnh cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT thông qua tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp về TMĐT theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với địa phương và lĩnh vực kinh doanh. Phát triển TMĐT tại một số vùng và lĩnh vực trọng điểm của tỉnh; tập trung đẩy mạnh ứng dụng TMTĐ đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô xuất khẩu; cung cấp thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ doanh nghiệp xuất khẩu trên Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam. “Để hoạt động TMĐT tại Kiên Giang ngày càng sội động và đạt hiệu quả cao hơn, chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí kinh phí cho tỉnh cũng như hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT thời gian tới” – ông Tước kiến nghị.

Công Luận