THỪA THIÊN - HUẾ

Ứng dụng CNTT, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

14:11:29 | 18/6/2019

Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Thừa Thiên Huế đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tăng cường ứng dụng các phầm mềm quản lý, điều hành và đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử. Ông Lê Sỹ Minh - Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế có buổi trao đổi với Tạp chí Vietnam Business Forum xung quanh nội dung này.

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng CCNT, ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật?

Xác định CNTT là công cụ đắc lực hỗ trợ cho cải cách hành chính (CCHC), địa phương đã triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước. Đáng chú ý, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được 4 cấp, trong đó có 3 cấp ở địa phương và liên thông với hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã đạt tỷ lệ 95%. Hệ thống Cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đạt 54% ở cơ quan cấp xã; trong đó đã tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh.

Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng đến xây dựng đô thị thông minh cũng đang được nâng cấp chức năng tương tác theo hướng tiêu chí thông minh. Đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đã đưa vào vận hành chính thức 7 dịch vụ: giám sát đô thị qua cảm biến camera; phản ánh hiện trường; giám sát thông tin báo chí; giám sát dịch vụ hành chính công; thẻ điện tử; cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh; giám sát quảng cáo điện tử.

Chỉ số ICT index năm 2018 của tỉnh tăng 10 bậc (từ 15 lên 5/63 tỉnh, thành phố) và những năm gần đây Thừa Thiên Huế luôn có thứ hạng cao trong bản xếp hạng ICT index. Theo ông, trong thời gian tới cần tập trung giải quyết những vấn đề nào nhằm tiếp tục phát huy vai trò CNTT trong quản lý điều hành cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?

Đến nay hầu như các lĩnh vực chuyên ngành tại Thừa Thiên Huế đều có sự tham gia của CNTT và trở thành yêu cầu bắt buộc cho các cấp các ngành. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới lãnh đạo tỉnh xác định các công việc trọng tâm cụ thể:

- Đối với công tác chỉ đạo điều hành: 100% cơ quan nhà nước phải ứng dụng CNTT thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Triển khai trên môi trường mạng, kết hợp xử lý văn bản điện tử, hồ sơ điện tử, quy trình điện tử là mục tiêu phải đạt được theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh trong thời gian tới hướng đến công sở không giấy tờ. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính pháp lý của văn bản điện tử cần khẩn trương áp dụng chữ ký số ngay từ khâu đầu vào văn bản điện tử.

- Đẩy mạnh triển khai ứng dụng Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã; hoàn thiện các dịch vụ công ích trực tuyến, dịch vụ sự nghiệp trực tuyến; đảm bảo 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng.

- Chuẩn hóa và tích hợp thống nhất các hệ thống thông tin; nâng cấp nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông tỉnh Thừa Thiên Huế (LGSP) đáp ứng kịp với sự phát triển CNTT hiện nay. Kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông quốc gia (NGSP) từ đó liên thông với các bộ, ngành Trung ương.

- Vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh; tập trung cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh trên 5 lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường.
Dự án phát triển dịch vụ đô thị thông minh Huế được kỳ vọng tạo “cú hích” lớn để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn. Một vài chia sẻ của ông về vấn đề này?

Việc phát triển dịch vụ đô thị thông minh ở địa phương dựa trên nền tảng chính quyền điện tử. Là tỉnh tiên phong trong CCHC gắn với ứng dụng CNTT, với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng một chính quyền phục vụ, một đô thị thông minh, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh. Qua đó, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Đề án "Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025", góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng một chính quyền phục vụ xã hội tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!