Từ phương pháp sản xuất kẹo mè xửng truyền thống gia đình được hình thành từ những năm 1940, Công ty TNHH Thiên Hương đã duy trì, phát triển và xây dựng trở thành thương hiệu mang đặc trưng xứ Huế.
Doanh nhân Hồ Thị Hoa (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
Cho đến ngày hôm nay, tập thể cán bộ công nhân viên trong Công ty vẫn trăn trở, miệt mài để tiếp tục cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ, quản trị để đưa vị dịu ngọn, hương sắc đậm đà của Mè xửng Thiên Hương vươn xa hơn đến nhiều vùng miền và nối dài hơn tới tương lai.
Doanh nhân Hồ Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Hương chia sẻ: Mè xửng Thiên Hương được đặt tên vào năm 1978 - Đó cũng là cách để gìn giữ nghề gia truyền. Từ nền tảng truyền thống, chúng tôi tập trung nghiên cứu quy trình sản xuất, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng để có công thức chế biến phù hợp cho ra đời sản phẩm chất lượng, phù hợp thị trường. Công ty đã mời các chuyên gia về thực phẩm, kỹ sư hóa học tư vấn để sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn, độ nhạt hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, Mè xửng Thiên Hương đã giảm nhiều về hàm lượng đường nên kẹo không quá ngọt, tăng thêm độ thơm tự nhiên của vị mè rang, vị bùi béo của đậu phụng được nhiều khách hàng lựa chọn.
Một dấu ấn quan trọng là năm 2004 Thiên Hương đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng để thuê đất, xây dựng nhà máy trên mặt bằng 6.000m2 tại Cụm công nghiệp Hương Sơ - Thành phố Huế. Nhà máy được trang bị nhiều dây chuyền, công nghệ hiện đại: Dây chuyền nướng bánh tráng, dây chuyền đóng gói khép kín,… đồng thời áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật, công nghệ vào quá trình sản xuất. Cùng với đó là việc áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý hiện đại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật tay nghề cho công nhân. Nhờ vậy, các sản phẩm của Thiên Hương đã nhận được nhiều chứng chỉ, giải thưởng tôn vinh về chất lượng, thương hiệu và được khách hàng đánh giá cao.
Hiện Công ty có các dòng sản sản phẩm gồm: Kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo cau (là loại kẹo truyền thống của Huế) và mè xửng với mẫu mã đa dạng. Nhưng dòng sản phẩm làm nên thương hiệu Thiên Hương chủ yếu là mè xửng giòn và mè xửng dẻo, không chỉ tiêu dùng tại Thừa Thiên Huế mà có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là món quà không thể thiếu với mỗi du khách đến Huế. Hơn thế, ngay từ năm 2001, mè xửng Thiên Hương đã đến được thị trường Hoa Kỳ và sau đó đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,…
Dòng sản phẩm làm nên thương hiệu Thiên Hương chủ yếu là mè xửng giòn và mè xửng dẻo, không chỉ tiêu dùng tại Thừa Thiên Huế mà có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. |
Thiên Hương không chỉ mang đến sản phẩm mang nét riêng của xứ Huế mà còn đem lại nguồn thu nhập, cuộc sống ổn định cho hàng trăm gia đình. Trước hết đó là đảm bảo việc làm cho 60 -70 lao động thường xuyên, trong đó có nhiều người đã gắn bó từ ngày đầu thành lập cơ sở sản xuất. Chị Hoa chia sẻ: “Đây là điều rất hạnh phúc đối với lãnh đạo doanh nghiệp”. Hiện ngoài thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, Công ty còn thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm, công đoàn cho người lao động. Ngoài ra còn có hàng trăm đại lý, nhà phân phối trên khắp vùng miền đất nước đang từng ngày đưa sản phẩm Thiên Hương đến với người tiêu dùng.
Theo Giám đốc Hồ Thị Hoa, trong quá trình hoạt động, Thiên Hương luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền. Công ty cũng mong muốn được xem xét ưu đãi thuế bởi sản phẩm Thiên Hương có 40% nguyên liệu là nông sản. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục củng cố nhà máy, từng bước chuyển giao công việc cho thế hệ kế tiếp để phát triển thị trường, sản phẩm. Nữ doanh nhân cũng bộc bạch: “Tôi có 2 con đang nối tiếp nghề của cha mẹ và gia đình, tiếp nối tư duy làm đúng, làm thật từ chính tâm của mình và nắm bắt thị hiếu, xu hướng lựa chọn hiện nay để đưa Thiên Hương ngày càng phát triển hơn”.
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI