THỪA THIÊN - HUẾ

Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

09:28:42 | 24/6/2019

Với tinh thần chỉ đạo sát sao, các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm hướng tới  xây dựng chính quyền năng động, phục vụ. Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết xung quanh các nội dung trên. Ngô Khuyến thực hiện.

Một vài chia sẻ của ông về kết quả đạt được trong thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2018 và những mục tiêu, nhiệm vụ trong các năm 2019-2020?

Trong năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai công tác xúc tiến đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các nhà đầu tư có uy tín, năng lực trong nước và khu vực, có định hướng phát triển tương đồng với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Ngày 12/10/2018, UBND tỉnh đã ban hành văn bản (công văn 7857/UBND-XTĐT) thống nhất danh mục 13 dự án trọng điểm ưu tiên kêu gọi đầu tư và các dự án đều được công khai về thông tin và tiêu chí. Đến ngày 26/01/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 235/QĐ-UBND bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư, theo đó bổ sung vào danh mục kêu gọi đầu tư là 39 dự án. Đến nay, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu theo thông tin dự án đã được công bố.

Nhờ sự chủ động trên, ngay trong quý I/2019, Thừa Thiên Huế đã có được kết quả rất đáng khích lệ, đã quyết định chủ trương đầu tư mới cho 07 dự án với tổng mức đầu tư là 13.105 tỷ đồng với tổng diện tích hơn 625 ha. Năm 2019, tỉnh đặt ra mục tiêu thu hút 15 dự án với tổng vốn cam kết 10.000 tỷ đồng như trong Quý I đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, khởi đầu năm 2019 đầy hứng khởi cho công tác xúc tiến đầu tư trên toàn tỉnh.

Trong năm 2019-2020, công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp có định hướng đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 là ưu tiên hàng đầu để phát triển thế mạnh nguồn nhân lực CNTT hiện có của tỉnh. Theo đó, Thừa Thiên Huế tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan công nghiệp 4.0 như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của Cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành phù hợp định hướng phát triển của tỉnh.

Để thực hiện theo định hướng nêu trên, Sở sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như:

(1) Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, năng lực trong nước và khu vực, trước mắt tập trung nguồn lực hỗ trợ các đơn vị đã ký kết Biên bản cam kết hợp tác chiến lược với UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp phép.

(2) Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

(3) Đẩy mạnh hỗ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp 4.0, kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư đang quan tâm, nghiên cứu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin.

(4) Tiếp tục hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp phép đầu tư.

(5) Ngoài ra, trên cơ sở các dự án đã được cấp phép đầu tư, cập nhật tiến độ thường xuyên, quảng bá hình ảnh, thông tin của các dự án đến với công chúng, thị trường đầu tư để truyền thông điệp rộng rãi về môi trường đầu tư của tỉnh đang khởi sắc từng ngày.

Ông đánh giá sao về chất lượng, hiệu quả công tác thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh những năm gần đây?

Với mục tiêu tạo môi trường đầu tư thân thiện, là một điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, trong 3 năm trở lại đây, hàng năm chúng tôi đã ban hành kế hoạch hoạt động của Năm doanh nghiệp Thừa Thiên Huế với mục tiêu căn bản: nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp trong cộng đồng, khơi dậy tinh thần doanh nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng mạnh về số lượng, chất lượng và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Thay đổi một cách cơ bản cách thức kêu gọi đầu tư và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực của mình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, Tỉnh ủy đã có ban hành một một chuyên đề riêng về đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, theo đó, chỉ đạo các ngành xây dựng cơ sở dữ liệu, tập trung phân tích lợi thế so sánh, định hướng phát triển để xác định những ngành, những thị trường và đối tượng cụ thể cần tập trung kêu gọi đầu tư. Tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các nhà đầu tư cụ thể để kêu gọi đầu tư. Nhằm hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đảm bảo cho nhà đầu tư khởi công trong thời gian sớm nhất, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ nhà đầu tư. Đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án ngoài ngân sách, nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với những nỗ lực của chính quyền tỉnh, kết quả là nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, BRG, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest,... ngày càng quan tâm đến Thừa Thiên Huế với các dự án vốn đầu tư ngày càng lớn và có tính lan tỏa cao.

Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế năm vừa qua?

Năm 2018, mặc dù vị thứ xếp hạng của Thừa Thiên Huế có giảm nhẹ so với năm ngoái (năm nay xếp thứ 30, năm ngoái xếp thứ 29/63 tỉnh thành), nhưng điểm số PCI của tỉnh tăng 1,14 điểm (từ 62,37 lên 63,51 điểm), và đặc biệt năm nay tỉnh được xếp vào vùng giữa của nhóm có chỉ số PCI “khá” (năm 2017 thuộc nhóm “trung bình”). Điều đáng mừng là năm nay, Thừa Thiên Huế là địa phương có tới 02 chỉ số thành phần dẫn đầu của cả nước, đó là chỉ số “Gia nhập thị trường” và “Tính minh bạch”. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đây là chỉ số thành phần quan trọng tác động đến lợi ích, chi phí và thời gian của doanh nghiệp nhiều nhất. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn một số chỉ số xếp ở vị trí thấp như cạnh tranh bình đẳng, tình trạng thanh kiểm tra doanh nghiệp,…

Nhìn một cách khách quan, Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng nhưng các tỉnh, thành khác đã có các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.

Năm 2018 là năm đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đánh giá DDCI trên địa bàn. Kết quả của công tác này ra sao, thưa ông?

DDCI (viết tắt của Department and District Competitiveness Index) là bộ chỉ số đánh giá chất lượng năng lực điều hành các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh. Bộ chỉ số này được xây dựng trên cơ sở ý kiến đánh giá, phản hồi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế. Dù 2018 là năm đầu tiên triển khai đánh giá DDCI trên địa bàn tỉnh, nhưng trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, Thừa Thiên Huế đã rất quyết liệt khi thực hiện đánh giá 22 sở, ban, ngành và 09 UBND cấp huyện.

Nhằm tăng tính khách quan trong công tác đánh giá, UBND tỉnh giao Hội doanh nhân trẻ chủ trì phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai đánh giá độc lập dưới sự hướng dẫn và tư vấn của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cùng chuyên gia đến từ dự án PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Công tác khảo sát bước đầu thu về gần 1.500 phiếu, với tỷ lệ đảm bảo phù hợp phân theo quy mô lao động, lĩnh lực hoạt động, thời gian hoạt động cũng như loại hình doanh nghiệp… nhằm đảm bảo kết quả khảo sát mang tính đại diện cao.

DDCI năm 2018 ghi nhận nhiều lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như tính minh bạch, vai trò người đứng đầu, cạnh tranh bình đẳng... Trong đó, thang điểm về quy trình và thủ tục thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, dễ thực hiện được doanh nghiệp đánh giá cao; thang điểm đánh giá vai trò người đứng đầu được doanh nghiệp đáng giá thận trọng, sát với thực tiễn và cảm nhận của doanh nghiệp, với số điểm đồng tình và chia sẻ với những khó khăn của ngành khá cao.  Kết quả của Bộ chỉ số DDCI sẽ được dùng làm thước đo để UBND tỉnh đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và chấm điểm thi đua vào cuối năm.

Việc khảo sát này khuyến khích các đơn vị trong khảo sát DDCI chủ động nghiên cứu và triển khai đánh giá cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế cấp cơ sở, phòng, ban, thị trấn, phường, xã trực thuộc dựa trên bộ chỉ số DDCI của tỉnh. Từ đó, tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các phòng, ban, phường, xã; tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thông qua khảo sát DDCI, tiếp tục tạo động lực cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương. Nhận thức, hành động của cán bộ, công chức trong tỉnh có sự chuyển biến mạnh; lề lối, tác phong thực thi công vụ ngày càng chuyển biến theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ; góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trân trọng cảm ơn ông!