Từ một vùng đất nghèo thuần nông có hạ tầng kinh tế yếu kém, sau 30 tái lập (1989-2019), tỉnh Quảng Ngãi đã vươn vai lớn mạnh, tự tin khoác lên mình diện mạo mới khi kinh tế tăng trưởng gấp 20 lần so với thời điểm tái lập. Trong thành công này không thể không nhắc đến ngành Công Thương Quảng Ngãi với những đóng góp quan trọng cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn.
Trong 30 năm qua, ngành công nghiệp - thương mại của quê hương núi Ấn sông Trà đã có bước chuyển mình mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và đạt được những thành tựu to lớn. Xuất phát điểm về công nghiệp thấp, không có gì đáng kể nhưng đến nay Quảng Ngãi đã xây dựng thành công KKT Dung Quất - giữ vai trò hạt nhân tăng trưởng không những của tỉnh mà còn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên. KKT Dung Quất hiện có các dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược như: NMLD Dung Quất - được coi là trái tim của KKT, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất, KCN - Đô thị - Địch vụ VSIP, KCN - Đô thị Dung Quất... Ngoài KKT, tỉnh Quảng Ngãi còn có 3 KCN Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong và 18 CCN ở các huyện, thành phố - giữ vai trò vệ tinh, gắn kết sự phát triển của KKT Dung Quất.
Nếu như thời điểm mới tái lập năm 1989, giá trị SXCN của tỉnh còn hạn chế, chỉ vỏn vẹn 601 tỷ đồng thì đến năm 2018, giá trị SXCN đạt 116.224 tỷ đồng, gấp 193,38 lần so với năm 1989. Trong 30 năm, tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp có sự gia tăng đáng kể, từ 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và 7.712 cơ sở TTCN đã tăng lên 442 doanh nghiệp (năm 2016) và 15.026 cơ sở TTCN cá thể (năm 2017). Sản phẩm công nghiệp địa phương ngày càng đa dạng, đạt giá trị gia tăng cao. Nếu như những năm 1990, trên địa bàn tỉnh chỉ có các sản phẩm công nghiệp truyền thống có giá trị thấp thì hiện nay đã có nhiều sản phẩm công nghiệp mới với sản lượng lớn và có giá trị cao như: lọc hóa dầu, nước khoáng thạch bích, bánh kẹo, sữa đậu nành Vinasoy, bia các loại, tinh bột mỳ, dăm gỗ nguyên liệu giấy, sản phẩm cơ khí công nghiệp nặn... Nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực của các huyện, thành phố, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp - TTCN, gắn kết phục vụ sự phát triển của KKT Dung Quất, góp phần phát triển KT – XH địa phương, từ năm 2003 tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch định hướng phát triển các CCN - TTCN tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2002 - 2010. Đến nay toàn tỉnh đã có 22 CCN được thành lập với tổng diện tích 279,43 ha; trong đó đã có 18 CCN đang hoạt động, thu hút 84 dự án với diện tích 269,4 ha, giải quyết việc làm cho 3.620 lao động.
Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng và phong phú, mạng lưới phân phối được mở rộng và phủ khắp đến các vùng nông thôn, giữ vững cân đối cung cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hạ tầng thương mại như chợ, siêu thị, cửa hàng, trung tâm mua sắm... được đầu tư có quy mô lớn, xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh từ 113,6 tỷ đồng năm 1989 lên 51.012 tỷ đồng trong năm 2018, tăng gấp 448 lần.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng có những bước tiến mới, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 591,2 triệu USD, tăng gấp 150 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Đan Mạch, UAE, Saudi Arabi và các quốc gia trong ASEAN.
Từ một địa phương thuần nông, sau 30 năm tái lập Quảng Ngãi đã vươn lên có cơ cấu công nghiệp chiếm trên 46,25% trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2018) và thuộc nhóm thu ngân sách cao trong cả nước. Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh và có những bước tăng trưởng thần tốc đã góp phần tích cực đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo nền tảng để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Công Luận
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI